Chầu Chín Cửu Tỉnh

Chầu Bà đứng hàng thứ chín trong Tứ Phủ Chầu Bà. Chầu bà vốn là tiên nữ trên Thiên Đình, giáng sinh ở đất Bỉm Sơn, Thanh Hóa, làm phúc giúp dân.

Sau này khi thác hóa bà trở thành vị Chầu Bà kề cận, biên chép sổ sách bên Mẫu Liễu Hạnh.

Danh hiệu: Chầu Cửu Sòng Sơn, Chầu Cửu Đền Sòng, Chầu Chín Giếng

Sự tích Chầu Chín Cửu Tỉnh

Chầu có danh hiệu Chầu Chín Cửu Tỉnh vì Chầu cai quản chín mạch giếng âm dương trên đất Thanh Hoá. Gọi là “mạch giếng âm dương” vì ở đây có chín cái giếng, phía dưới lại có dòng sông ngầm xuôi thẳng ra biển. Theo Đông y thì chỗ nước sông hoà với nước giếng, gọi là “âm dương thuỷ” (陰陽水).

Cũng có khi Chầu giá ngự trong Đền Sòng (vì vậy người ta cũng gọi là Chầu Cửu Đền Sòng).

Có quan niệm cho rằng Chầu bà là Thụy Hoa Công Chúa (hay có một số sách nói là Chầu Quỳnh) trên Thiên Cung, xuống Đồi Ngang, Phố Cát, kề cận bên Mẫu Liễu Hạnh.

Hầu Chầu Chín Cửu Tỉnh

Chầu Cửu ít khi ngự đồng. Chầu thường hay ngự đồng ngày tiệc Chầu tại các ngôi đền của Mẫu Liễu Hạnh, chẳng hạn như Phủ Dầy, Nam Định hoặc Đền Sòng, Thanh Hóa .Có khi thỉnh Chầu về chứng lễ khất khai thần phiến, định nghiệp cho đồng nhân ra hành đạo.

Khi ngự đồng Chầu ngự áo đỏ (có một số nơi dâng chầu áo màu hồng), Chầu Bà bái hương, khai quang chứng đàn, có khi múa mồi, hiếm khi tung tiền lộc mà thường phát lộc khi ngự tọa. 

Một số dòng đồng ban lệ rằng thanh đồng tối thiểu sau ba năm, thậm chí 12 năm thì mới được phép hầu rước bóng Chầu Cửu.

Hầu Chầu Bà nhẹ nhàng, khoan thai, có chút nghiêm nghị.

“Một khi cách trở giang khê

Thành tâm một dạ chầu về chứng minh

Khó khăn trăm nối ngàn hình

Chầu về giáng phúc điện đình chính nơi”

Đền Thờ Chầu Chín Cửu Tỉnh

Bởi kề cận bên Mẫu Liễu Hạnh nên Chầu Cửu thường được thờ chính ở những ngôi đền chính của Mẫu như Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa; Đền Rồng, Thanh Hóa và Phủ Bóng, Nam Định.

Ngoài ra một số đền còn thờ Chầu làm Chầu Thủ Đền coi giữ trong bản đền.

“Đồi Ngang hầu cận Mẫu Bà

Sòng Sơn, Phố Cát thực là trang nghiêm

Dạo chơi các phủ các đền

Cây Đa phủ Bóng khi miền Nghệ An”

Phú Khánh
 

Blog này chia sẻ kiến thức về thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ là di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận năm 2016. Tín ngưỡng thờ Mẫu đi liền với dân tộc Việt Nam, truyền thống bao đời nay, đề cao chữ “Hiếu” và chữ “Kính”, đặc biệt thêm phần lễ nghĩa. Hiếu với Ông Bà Cha Mẹ, Kính là kính Thánh trọng Thầy.