Cô Đệ Nhất Thượng Thiên

Cô Đệ Nhất Thượng Thiên đứng hàng thứ nhất trong Tứ Phủ Thánh Cô.

Thánh hiệu: Đệ Nhất Thánh Cô thiên tiên Cửu Thiên huyền nữ chân nhân hoán số di cung lưu ân giáng phúc

Sự tích Cô Đệ Nhất Thượng Thiên

Tích I

Trong tứ phủ thánh cô, Thánh cô Đệ nhất Thượng Thiên hay còn gọi là Cô Cả Đệ Nhất là thánh cô đứng hàng đầu tiên. Cô là con vua cha Thủy Tề dưới thoải cung được phong là Thiên cung Công chúa trên Thiên Đình. 

Có người nói rằng cô cùng với Cô Chín hầu cận bên cạnh Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên (tức Mẫu Liễu Hạnh). Lại có nơi cho rằng Cô kề cận, tay biên tay chép bên Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên. Cô hầu cận Mẫu, thường báo cáo mọi việc trần thế lên Mẫu. Nên khi tấu khấn Mẫu, người ta thường có lời tấu lên cô, để cô kêu thay lạy đỡ trước cửa Mẫu tôn kính.

“Tiên cô xuất thánh nhập thần 

Thay quyền Vương Mẫu cầm cân cõi phàm”

Tích II

Tích này cho rằng Cô Cả Thượng Thiên có từ thời Hùng Vương, đây cũng là thần tích đầu tiên về việc cô giáng xuống hạ giới. Theo đó, khi các vua Hùng dựng nước và giữ nước, cô được vua cha Thủy Tề cho hạ phàm. Cô có công lớn trong việc giúp nhà nước Văn Lang thống nhất các bộ tộc trong nước. Đến thời Trần, Cô cũng được biết đến là vị tiên cô theo đức Thánh cả giết giặc phương Bắc.

Sự tích về cô sau đó tiếp tục được kể dưới thời nhà Lê sơ. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn – Thanh Hóa, cô lại lần nữa giáng trần, góp công lớn giúp vua Lê Lợi diệt giặc Minh, lập ra nhà Lê.

Sau này, khi thiên hạ thái bình, ổn định, Cô không quay về trời cũng không về lại Thoải Cung mà đi theo hầu mẫu Liễu Hạnh, hay còn gọi là Mậu Đệ Nhất Thượng Thiên, vì thế mà cô cũng được dân gian gọi là Cô Đệ Nhất Thượng Thiên.

Những khi thanh nhàn, cô thường cưỡi gió, cưỡi mây rong chơi các chốn từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa cho đến Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Định...

Cô Cả là tiên cô lục trí thần thông, cô chấm đồng những người nết na, thảo hiền đem về tiến Mẫu trong đền Sòng Sơn.

Hầu Cô Đệ Nhất Thượng Thiên

Cô Đệ Nhất Thượng Thiên rất hiếm khi về ngự đồng. Chỉ những người sát căn cô, thì cô mới về ngự.

Ngày nay, việc Cô Đệ Nhất hiển linh ngày càng mờ nhạt dần và không còn quá nhiều người được tận mắt chứng kiến cô ngự đồng.

Khi về ngự, cô mặc y phục màu đỏ bằng áo gấm hoặc lụa thêu phượng, dệt hoa, đầu đội khăn xếp, lưng thắt khăn vàng đeo vỉ lét đỏ. Cô làm lễ khai cuông rồi múa quạt.

Chầu Văn Cô Đệ Nhất Thượng Thiên

Gió đưa nhang xa ngát lừng

Thỉnh mời cô Nhất giáng chơi  Nam thành

Hải Phòng Hà Nội Bắc Ninh

Nội thành ngoại phố một mình rong chơi

Chơi thôi cô lại tái hồi

Nghệ An ,Hà Tĩnh là nơi đi về

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên

Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa

Bình Định, Gia Định bao xa

Khi chơi Ba Dội lúc ra Chiêm Thành

Dạo chơi các tỉnh nức danh

Trở về tới đất tỉnh Thanh ngự đồng

Nhận đồng má phấn lưng ong

Cô Nhất chấm đồng tiến Mẫu Sòng Sơn

Phép cô lục trí ai hơn

Quyền cô cai quản giang sơn thủy tề

Khăn đào áo thắm phủ phê

Nhân gian nhỡn nhục biết chi chăng là

Chấm đồng bắt lính không tha

Thuốc thang chẳng đỡ bệnh đà trơ trơ

Bệnh làm nóng tựa lửa hơ

Năm canh luống những nói mơ sự đồng

Duyên căn mệnh số long đong

Tấc gan xao xuyến nỗi lòng đầy vơi

Xưa kia chẳng biết mệnh trời

Nay Cô ra phép ra nhời nhủ khuyên

Cô về phán hiệu bảo tên

Phán rằng Cô nhất Thượng Thiên chấm đồng

Ba hồn cô bắt đi rong

Tàn nhang nước thải mát lòng bằng tiên

Lễ cô những bạc cùng tiền

Tam sinh lễ tạ thánh tiên bơ tòa

Dâng Cô một cỗ hài hoa

Khăn hồng ba thước lược ngà một đôi

Thanh nhàn giá ngự đồng chơi

Cưỡi đạp gió thảnh thơi đi về

Sơn lâm rừng suối sơn khê

Khi chơi Phong Mục,Đồi Chè,Ba Bông

Khi chơi dạo cảnh Đền Rồng

Lúc về Phủ Bóng, Công Đồng ,Tiên Hương

Kinh đô cảnh đẹp lạ nhường

Cô đà dạo khắp bốn phương xa gần

Tiên cô xuất thánh nhập thần

Thay Quyền vương Mẫu cầm cân cõi phàm

 Thỉnh cô trắc giáng đàn tràng

Khuông phù đệ tử an khang thọ trường.

Đền thờ Cô Đệ Nhất Thượng Thiên

Thánh Cô Cả thường được thờ vào ban tứ phủ thánh cô trong các đền thờ.

Có quan điểm cho rằng Thánh cô Đệ Nhất được thờ tại Đền Thánh Cô Cả tại Tuyên Quang và tại đền Cô Cả Vân Đình. Tuy nhiên quan điểm này không chính xác bởi:

Thánh Cô Cả đền Dùm Tuyên Quang là Thánh Cô bản Đền Dùm (cùng với cô bé Núi Giùm ), trong khóa cúng về sơn lâm thì cô được thỉnh về với danh hiệu là cô Đệ Nhất Sơn Tinh, hay Cô Cả Sơn Trang, Cô Nhất Núi Dùm ngự áo Trắng, về ngự đồng múa mồi hoặc múa đôi quạt trắng hầu Mẫu Thoải Đền Giùm, cô thường ít khi ngự đồng, chỉ có ai khi về đến đất Tuyên, về đến đền Dùm thì hay thỉnh tiên cô giá ngự.

Cô Cả Vân Đình - Ứng Hòa - Hà Tây cũ là tiên cô bản đia tại đất Ứng Hòa, Cô hiển linh theo hầu thánh mẫu được sắc phong ngôi đệ Nhất trong hàng tiên cô, nhưng không thuộc ngôi Tứ Phủ.

Phú Khánh
 

Blog này chia sẻ kiến thức về thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ là di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận năm 2016. Tín ngưỡng thờ Mẫu đi liền với dân tộc Việt Nam, truyền thống bao đời nay, đề cao chữ “Hiếu” và chữ “Kính”, đặc biệt thêm phần lễ nghĩa. Hiếu với Ông Bà Cha Mẹ, Kính là kính Thánh trọng Thầy.