Cô Tư Ỷ La/Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ/Cô Tứ Khâm Sai

Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ đứng hàng thứ tư trong Tứ phủ Thánh Cô. Có các danh hiệu là: 

  • Cô Tứ Khâm Sai, giáng ở miền trung, Cô chầu Mẫu Thiên Y A Na
  • Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ, dựa trên danh hiệu có thể ước đoán Cô từng giáng hiện tại đất Tây Hồ, Hà Nội.
  • Cô Tư Ỷ La, giáng tại vùng Ỷ La, Tuyên Quang chầu Mẫu.

"Thoắt thôi giở gót thu hình 

Địa tiên hoa phủ hoàng đình ngự chơi,

Tấu lên Địa Mẫu chính ngôi.

Trở về trần giới rong chơi Tây Hồ."

Tiệc Cô Tứ là 6/7 âm lịch. 

Sự tích Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ

Cô Tư xinh đẹp, nết na, thông minh, tài đức vẹn toàn nên được Mẫu bà thường cho kề cận bên mình và nhất mực yêu thương.

Tục truyền, xưa kia ở Lãng Bạc (Tây Hồ) có con cửu vĩ Hồ Ly chuyên tới đây hại dân nghèo, Mẫu đã truyền lệnh cho cô Tư đi dẹp loài yêu quái.

Cô đã dùng phép thần thông để trị và bắt nó phải hiện nguyên hình.

Sau khi dẹp tan cửu vĩ hồ ly, cô Tư còn dạy dân bản địa kết chỉ, xe tơ làm những vòng chỉ ngũ sắc để đề phòng yêu ma.

"Tục truyền Lãng Bạc xưa kia

Có loài cửu vĩ hồ ly hại người 

Mẫu truyền cô kíp vâng lời

Thần thông pháp vũ dẹp loài tà tinh"

Cô Tư Địa Phủ có phải là Cô Tư Ỷ La/Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ?

Cô Tư Ỷ La tương truyền là con vua Đế Thích chính cung, Vua cha sai cô giáng thế theo hầu Mẫu tại đất Tuyên Quang.

Sau này, nơi Mẫu giá ngự người ta lập đền thờ Mẫu Ỷ La nên cô cũng được gọi là cô Tư Ỷ La (theo địa danh cô hầu cận).

Có hai luồng ý kiến chia ra như sau:

  • Cô Tư Ỷ La chính là Cô Tư Địa Phủ. Đền Ỷ La ở Tuyên Quang thờ Mẫu Ỷ La (tức Mẫu Thiên, đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh), nên Cô cũng được thờ ở đó để theo hầu Mẫu.
  • Cô Tư Ỷ La là một trong số các cô Thập Nhị Tiên Nàng, theo hầu Mẫu Thượng Ngàn. Vì Cô giáng trần ngay tại mảnh đất Ỷ La nên được phối thờ cùng với Mẫu Ỷ La. Cô Tư Ỷ La thuộc miền Nhạc Phủ chứ không phải Địa Phủ và thường được gọi là Cô Tư Sơn Trang.

Tất cả đều là một cô, cô giáng ở nhiều địa danh, nên có danh hiệu khác nhau.

Hầu Cô Tư

Cô Tư Địa Phủ hiếm khi ngự đồng. Khi về ngự Cô thường mặc y phục xiêm áo màu vàng nhạt hoặc màu xanh, tóc cài hoa trâm, tai đeo khuyên vàng. Cô cầm quạt khai cuông, múa mồi, múa quạt hầu Mẫu.

Chầu Văn Cô Tư Ỷ La

Hương thơm thấu chín tầng trời

Cô Tư thượng ngự chính nơi bản đền

 Hội đàn thập nhị cung tiên

Cô Tư ngự áo hoa hiên dịu dàng

Khăn thêu long phượng sắc vàng

Hoa trâm cài tóc khuyên vàng đeo tai

 Nhiễu thêu, cườm đính, phượng hài

Quạt trầm e thẹn đan đài bước ra

Tả trỗi nhạc hữu dâng hoa

Quần tiên hội nghị đàn ca vang lừng

 Xe rồng từ chốn thiềm cung

Cô tư hạ giá ngự đồng thoắt ngay

Phút đâu khói toả mây bay

Cô tư loan giá ngự rầy thung dung

 Cô thương đệ tử thanh đồng

Đắng cay mấy nỗi nặng lòng thế gian

Đường trường cách trở gian nan

Khuyến người tu đức vẻ vang muôn đời

 An khang trường thọ rạng ngời

Phúc trời lộc bể độ người hữu tâm

Xoè hoa đôi cánh quạt trầm

Quạt cho tan biến tham sân khổ nàn

 Xoè hoa đôi cánh quạt vàng

Quạt cho bốn chữ an khang thọ trường

Xoè hoa đôi cánh quạt hương

Quạt cho bát hướng tứ phương thái hoà

 Phúc lành đưa đến gần xa

Quân thần đồng thuận âu ca thái bình

Thoắt thôi giở gót thu hình

Địa tiên hoa phủ hoàng đình ngự chơi

 Tấu lên Địa Mẫu chính ngôi

Giở về trần giới rong chơi Tây Hồ

Sớm sương lác đác lờ mờ

Chiều chơi lên tới Tam Cờ Ỷ La

 Phủ Giày trảy hội tháng ba

Sòng Sơn tháng chín kiệu hoa sẵn sàng

Thỉnh Cô trắc giáng bản đàn

Khuông phù đệ tử an khang thọ trường.

Đền thờ Cô Tư

Cô Tư Ỷ La được phối thờ trong Đền Mẫu Ỷ La – Tuyên Quang.

Hiện nay có ban thờ Cô Tư Tây Hồ tại Phủ Tây Hồ, ngoài ra, cô còn được thờ ở đình Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Phú Khánh
 

Blog này chia sẻ kiến thức về thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ là di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận năm 2016. Tín ngưỡng thờ Mẫu đi liền với dân tộc Việt Nam, truyền thống bao đời nay, đề cao chữ “Hiếu” và chữ “Kính”, đặc biệt thêm phần lễ nghĩa. Hiếu với Ông Bà Cha Mẹ, Kính là kính Thánh trọng Thầy.