Mẫu Thiên Y A Na – Đệ Nhất Thiên Y Thánh Mẫu

Thánh Mẫu Thiên Y A Na là vị Thần Chủ “Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên”  trong Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ ở Miền Trung nói riêng và Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ Việt Nam nói chung. Thánh Mẫu Thiên Y A Na âm phù dương trợ cho con dân Việt Nam từ xưa đến nay qua nhiều thời kỳ chống giặc ngoại xâm, bày dân trồng lúa, trồng cây đắp phúc, thương yêu với nhau, sống đời đẹp đạo,…

Sự Tích Thánh Mẫu Thiên Y A Na

Theo tích Đại An Núi Chúa (Nha Trang)

Lược sử: xưa tại núi Đại An (Đại Điền), có hai vợ chồng Ông Tiều đến cất nhà và dỡ rẫy trồng dưa nơi triền núi. Dưa chín thường hay bị mất. 

Một hôm Ông rình, bắt gặp một thiếu nữ trạc chừng chín mười tuổi hái dưa, đùa giỡn dưới trăng. Thấy cô gái dễ thương. Ông đem về nuôi. Hai Ông Bà không con cái, nên đối với thiếu nữ thương yêu như con ruột.

Một hôm, trời mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều, buồn bã, thiếu nữ lấy đá chất thành ba hòn giả sơn và hái hoa lá cắm vào rồi đứng ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc. Ông Tiều nặng tiếng rầy la. Không ngờ đó là một tiên nữ, nàng bèn biến thân vào khúc Kỳ Nam, để mặc cho sóng gió đưa đẩy. 

Khúc Kỳ trôi ra biển cả rồi tấp vào đất Trung Hoa. Mùi hương bay ngào ngạt, nhân dân địa phương lấy làm lạ, rủ đến xem, thấy gỗ tốt xúm nhau khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không đỡ nổi.

Thái Tử Bắc Hải nghe tin đồn, tìm đến xem hư thực, thấy khúc gỗ không lớn lắm. Thái Tử bèn lấy tay nhấc thử, chàng hết sức lạ lùng vì khúc gỗ nhẹ như tờ giấy, bèn đem về cung, trân trọng như bảo vật.

Một đêm, dưới bóng trăng mờ, Thái Tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc Kỳ Nam, nhưng lại gần xem thì tứ bề vắng vẻ, bên mình chỉ phản phất mùi hương thanh thanh từ trong khúc Kỳ Nam bay ra, chàng quyết định rình xem mấy đêm liền không hề thấy khác lạ, chàng không nản chí. 

Rồi một hôm, đêm vào quá nữa, bốn bề im phăng phắc, một giai nhân tuyệt sắc theo ngọn gió hương ngào ngạt từ trong khúc Kỳ Nam bước ra. Thái Tử vụt chạy đến, ôm choàng. Không kịp biến, giai nhân đành theo Thái Tử về cung và cho biết rõ lai lịch, giai nhân tự xưng là: "Thiên Y A Na"

Thái Tử vốn đã trưởng thành nhưng chưa có lứa đôi vì chưa chọn được người xưng ý. Nay thấy A Na xinh đẹp khác thường, bèn tâu với phụ hoàng xin cưới làm vợ. Nhà Vua sai bói Cát Hung trúng quẻ (Đại Cát), liền cử hành lễ thành hôn.

Vợ chồng ăn ở với nhau rất tương đắc và sanh hạ được hai con: một trai, một gái. Trai tên trí, gái tên Quý, dung mạo khôi ngô. Thời gian trôi qua êm ấm. Nhưng một hôm lòng quê thúc dục. Thiên Y bồng hai con nhập vào Kỳ Nam trở về làng cũ.

Núi Đại An còn đó, nhưng vợ chồng Ông Tiều đã về cõi âm. Thiên Y bèn xây đắp mồ mã Cha Mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự. Thấy dân địa phương còn thấp kém. Bà đem văn minh Trung Hoa ra giáo hoá, dạy cày cấy, dạy kéo vải, dệt sợi và đặt ra lễ nghi,... Từ đấy ruộng nương được mở rộng, đời sống cửa nhân dân mỗi ngày thêm phúc túc, phong lưu.

Công khai hoá của Bà chẳng những ở trong địa phương mà các vùng lân cận cũng được nhờ. Rồi một năm, vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim Hạc từ trên mây bay xuống, Bà cùng hai con lên lưng Hạc bay về Tiên.

Nhân dân địa phương nhớ ơn đức, xây tháp, tạc tượng vào năm 817 để phụng thờ và mỗi năm vào ngày Bà thăng thiên: 23 - 04 âm lịch, tổ chức lễ múa bóng dâng hoa rất long trọng.

Ở Bắc Hải, Thái Tử trông đợi lâu ngày không thấy vợ con trở về, bèn sai một đạo binh dong thuyền sang Đại An tìm kiếm. Khi thuyền đến nơi, thì Bà đã trở về .... Người Bắc Hải ỷ đông hà hiếp dân địa phương, ngờ rằng dân địa phương nói dối, bèn hành hung không giữ lễ, xúc phạm thần tượng. Nhân dân bèn thắp nhan khấn vái, liền đó gió nổi, đá bay, đánh đắm thuyền của Thái Tử Bắc Hải...

Nơi đây nổi lên một hòn đá lớn gọi là Đá Chữ.

Ngày 20 tháng 05 năm Tự Đức thứ IX (1858)

Phan Thanh Giản Thượng Thư Bộ Lễ-thảo văn

Theo tích Huế

Chùa Thiên Mụ tại Kinh Đô Huế thuộc khu vực đồi Hà Khê, một trong những nơi mà trong quan niệm của tín đồ cho là Mẫu đã giáng nhưng dưới hình ảnh của một Bà Trời Áo Đỏ. Cụ thể như sau:

Tương truyền nơi đây thường xuất hiện một vị nữ thần và tên gọi ngôi chùa theo truyền thuyết dân gian cũng gắn với một vị nữ thần linh ứng - Bà Trời Áo Đỏ. Thiên Mụ theo tiếng Hán có nghĩa là Mẹ Trời (Thiên là Trời, Mụ là Mẹ) và Mẫu Thiên Y A Na trong tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có nghĩa là Mẹ Trời (Thiên là từ Hán-Việt, nghĩa là Trời, Y Na hay A Na tiếng chăm, có nghĩa là Mẹ). Từ ý nghĩa của tên gọi, chúng ta thấy, ở đây đã có sự đồng hóa Mẫu Thiên Y A Na với Nữ Thần linh ứng xuất hiện ở Chùa Thiên Mụ.

Truyền thuyết kể rằng

khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.


Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một Bà lão mặc áo đỏ xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh".

Dân gian tích truyện (Huế)

Dân gian còn lưu truyền, Bà Trời Áo Đỏ giúp Vua Gia Long. Vua thất thủ ở miền Bắc chạy vào xứ Huế đến Chùa Thiên Mụ, rồi cầu đảo. Lúc này xuất hiện ra một Bà lão mặc áo đỏ giống như Tiên. Vua liền ngiêng mình xin thỉnh Bà lão giúp mình. Bà bày rằng:

"Nếu muốn lập kinh đô tại đây, lấy bó nhang. Bắt đầu đi từ ngôi chùa này, 1-2 bước chân cắm một cây nhang, khi nào hết nhang thì lập kinh đô tại đấy"

Theo tích Chăm

Nữ Thần Po Nagar được sinh ra bởi mây trời và bọt biển. Vào một ngày nọ, nước biển đại dương dâng lên cao đưa bà đến bến sông Yjatran thuộc Kauthara (Cù Huân). Đột nhiên, trời nổi sấm và nổi gió báo cho các loài biết bà giáng sinh. Ngay lập tức, các ngọn núi hạ mình xuống thấp, nước trên thượng nguồn chảy xuống tạo thành sông xuống mừng đón bà.

Mừng Bà lên, muông thú trong rừng kéo đến rất đông đứng chầu hai bên, cây rợp bóng cong xuống tỏ lòng thần phục và phải nói là hoa lá thi nhau đua nở sắc màu rực rỡ để điểm tô cho mỗi bước chân Poh Narga bước đi. Bà Poh Nagar dùng phép thần thông hóa ra 1 rừng trầm hương cùng bao nhiêu cây trái lúa, khoai, bắp và lâu đài tráng lệ.

Bà có rất nhiều phép thần thông nên bà có rất nhiều ông chồng. Ở lâu đài của bà, có đến 97 ông. Trong số này, chỉ có Pô Yan Amo là có quyền lực hơn những người còn lại. Việc có con cũng tỷ lệ theo số ông chồng, bà có đến 38 người con gái xinh đẹp, nhưng chỉ có 3 người được bà chọn truyền dạy phép thuật là Rarai Anaih, Po Nogar Dara và Po Bia Tikuk, tất cả con của bà đều được hóa thần.

Đền Thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na

Đại An Núi Chúa (Nha Trang)

Điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén tọa lạc trên núi Ngọc Trản, thuộc làng Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cách trung tâm TP. Huế 8km về hướng Tây Nam. Để đến nơi đây có 3 cách: 

  • Di chuyển bằng thuyền rồng trên sông Hương
  • Di chuyển bằng cano, vừa đi vừa ngắm cảnh đẹp, lễ hội trên sông Hương
  • Đi bộ di chuyển theo đường Bùi Thị Xuân -> đường Huyền Trân Công Chúa -> Bến Than đi đò qua Điện Hòn Chén

Nơi đây có một dãy núi thấp ăn từ chân Trường Sơn chạy về phía đồng bằng của Huế, bị một đoạn của sông Hương chặn đầu tả ngạn. Cả dãy núi như bị dồn ép nguồn sinh lực ở đây, tạo thành một ngọn núi có vẻ biệt lập, cây cối mọc xanh um, đứng cheo leo bên bờ vực thẳm, đó là chỗ sâu nhất của sông Hương. Người xưa đã chọn hòn núi Ngọc Trản ấy để dựng đền thờ.

Trên đỉnh núi có một chỗ đất trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại trông như cái chén đựng nước trong. Cho nên từ xa xưa, hòn núi được đặt tên Ngọc Trản.

Điện Hòn Chén gắn với rất nhiều giai thoại, dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa "trả lại chén ngọc", vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. 

Trong các văn bằng sắc phong chính thức của các Vua Nguyễn, ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức Ngọc Trản Sơn Từ.

Điện Hòn Chén xưa thờ Nữ Thần Po Nagar của người Chăm. Theo truyền thuyết, Nữ Thần là con của Ngọc hoàng Thượng Đế được sai xuống trần gian, Bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, cây, lúa gạo. Hương mộc và Kỳ Nam là thứ gỗ tượng trưng cho sự linh hiển của Nữ Thần.

Từ di tích độc đáo của người Chăm, người Việt đã dung hợp và phát huy tín ngưỡng này thành nơi thờ Thánh Mẫu & các vị Thánh của người Việt. Đây được coi là sự hòa nhập về tôn giáo hay còn gọi là bản địa hóa cùng kết hợp với nhã nhạc cung đình Huế. 

Để ký âm cho danh từ Po Nagar bằng Hán văn, các nho sĩ ngày xưa đã phải tạo ra một âm hưởng hao hao và mang một ý nghĩa tương đương nhất định bằng bốn chữ Hán: Thiên Y A Na, tên gọi Thiên Y A Na là tên gọi của người Việt hay còn gọi là Mẹ Xứ Sở theo Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ.

Điện Hòn Chén thờ đầy đủ hệ thống tất cả vị Thánh thuộc Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của Miền trung với bốn Cõi Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Trung Thiên, Thoải Phủ với thứ tự như sau:

  • Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vua Cha Bát Hải Động Đình
  • Tam Tòa Thánh Mẫu (Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải) & Mẫu Trung Thiên
  • Ngũ Vị Thánh Bà (Ngũ Hành Nương Nương, Năm Bà Ngũ Hành, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)
  • Lục Vị Tôn Ông (Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên, Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Thiên, Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn, Quan Lớn Đệ Tam Giám Sát Thượng Thiên, Quan Lớn Đệ Tam Giám Sát Thượng Ngàn, Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ, Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh,...
  • Thập Nhị Thánh Cậu (Cậu Đệ Nhất Thượng Thiên, Tôn Cậu Đệ Nhị Ngoại Càn, Cậu Đệ Tam Giám Sát, Cậu Đệ Tam Thoải Phủ,...)
  • Mười Ông Hoàng (3 Hoàng Cả, Quan Hoàng Đôi, Quan Hoàng Bơ (Ba), Quan Hoàng Tư, Quan Hoàng Năm, Quan Hoàng Lục, Quan Hoàng Bảy, Quan Hoàng Tám, Quan Hoàng Chín, Quan Hoàng Mười)
  • Thập Nhị Tiên Cô (Cô Cả Đèo Ngang, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Ba Ngoại Càn, Cô Bơ Thoải Phủ, Cô Tứ Khâm Sai, Cô Năm Khâm Sai, Cô Sáu Thượng Ngàn, Cô Bảy Thượng Ngàn, Cô Tám Đồi Chè, Cô Chín Sòng Sơn, Cô Bé,...) 
  • Thập Nhị Triều Quận/Nường
  • Ngũ Hỗ Đại Tướng Quân, Thanh Hoàng Bạch Xà Đại Tướng

Tháng 3 năm 1832, Điện Hòn Chén được vua Minh Mạng cho tu sửa và mở rộng.

Năm 1883 -> 1885, vì gặp một giai đoạn éo le của lịch sử triều Nguyễn, vua Đồng Khánh chờ đợi mãi vẫn chưa được lên nối ngôi vua Tự Đức. Ông nhờ mẹ là bà Kiên Thái Vương lên Điện Hòn Chén cầu đảo và hỏi Thánh Mẫu Thiên Y A Na xem con mình có lên ngôi vua được không, Mẫu cho biết ông sẽ được.

Năm 1886, khi lên ngôi vua Đồng Khánh liền cho trùng tu điện một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí để thờ và đổi tên  là Điện Huệ Nam với ý nghĩa mang lại ân huệ cho nước Nam, tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu Thiên Y A Na

Mặc dù biết đến với nhiều tên gọi nhưng đến nay dân gian vẫn quen gọi: Điện Hòn Chén, Điện Hoàn Chén.

Có một giai thoại, Vua Đồng Khánh tự nhận mình là "em", gọi Thánh Mẫu bằng"chị". Theo nguyên tắc xưa, ông Vua nào cũng đứng trên các Thánh Thần trong cả nước, nhưng ở đây Vua Đồng Khánh lại hạ mình xuống làm "em" của Mẫu, vì Vua và Thánh Mẫu đều là con Trời.

Năm 1886, Minh Kính Đài được trùng tu  với mặt bằng 15m x 17m, nó được chia làm 3 cung:

  • Minh Kính Cao Đài Đệ Nhất Cung: thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Tam Tòa Thánh Mẫu, hai bên thờ Thánh mẫu Vân Hương, Liễu Công Chúa, Thất Thánh & Vua Đồng Khánh.
  • Minh Kính Trung Đài Đệ Nhị Cung: thờ Vua Cha, Tứ Phủ Công Đồng, tả hữu hai bên thờ Quan Văn Quan Võ, Thập Nhị Triều Quận, Thập Nhị Triều Nường. Một số đồ dùng để làm lễ: Võng Cung Nghinh, Kiệu,...
  • Minh Kính Tiểu Đài Đệ Tam Cung: có hương án lớn, hai bên đặt trống chuông, cử hành tế lễ. 

Trên bờ nóc quyết của Minh Kính đài cũng như các công trình kiến trúc khác ở chung quanh, hình ảnh Phụng được dùng nhiều để trang trí, vì Phụng tượng trưng cho Nữ Thần. Nó cũng được dùng để trang trí rất nhiều trên các đồ tự khí.

Phần lớn các đồ thờ quý báu ở Minh Kính Đài đều ghi rõ là làm ra dưới thời vua Đồng Khánh. Trang hoàng rất là trang nghiêm, lề lối, thu hút đối với người trong Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ và khách thập phương về nơi đây chiêm bái, lễ nghi.

Điện Hòn Chén là ngôi Điện có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế và đó cũng là ngôi Điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình Huế và Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ . Đây cũng là nơi trang trí mỹ thuật đỉnh cao nhất vào cuối thế kỷ XIX.

Khoảng 10 công trình kiến trúc xinh xắn của ngôi đền đều nằm ở lưng chừng sườn đông nam thoai thoải của ngọn núi, ấn mình dưới bóng râm của một khóm rừng cổ thụ tán lá xum xuê. Những hệ thống bậc cấp chạy từ đền cao xuống tận bến nước trong xanh. Mặt sông phẳng lặng như gương, được dùng cho toàn cảnh thiên nhiên và kiến trúc nghiêng mình soi bóng. Dù thuyền cập bến, đứng nhìn lên, khách dễ tưởng mình đang lạc vào chốn thần tiên.

Mặt bằng kiến trúc của toàn bộ ngôi đền không rộng, gồm điện thờ chính là:

  • Minh Kính Đài nằm ở giữa, mặt hướng ra sông.
  • Bên phải là Cung thờ Quan Thánh, Nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Cung Cô Ba Ngoại Càn.
  • Bên trái là Cung Ngũ Vị Thánh Bà, Cung Thượng Ngàn, Cung Tôn Cậu Đệ Nhị Ngoại Càn, cung thờ Quan Ngũ Hổ Đại Tướng Quân.
  • Ven dọc bờ sông Hương thơ mộng, bên trái là Cung Thủy Phủ thờ Quan Lớn Đệ Tam Thủy Phủ. 

Năm 1886 này, trong một tờ thần sắc ban cho Điện, Vua Đồng Khánh đã ví toàn cảnh thiên nhiên ở núi Ngọc Trản như hình thế một con sư tử đang nằm thò đầu xuống sông uống nước.

Từ năm 1954, Liễu Hạnh Công Chúa (Vân Hương Thánh Mẫu) cũng được đưa vào thờ ở đây.

Ngày nay, Điện Hòn Chén được nhiều người biết đến không phải là một di tích tâm linh mà còn là một di tích kiến trúc phong cảnh. Công trình kiến trúc tâm linh ấy đã được người xưa lồng vào trong một cảnh thơ mộng hữu tình của núi sông xứ Huế.

Lễ Hội Truyền Thống Điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén)

Vua Đồng Khánh đưa lễ hội truyền thống Điện Hòn Chén hàng năm tại đây vào hàng Quốc Lễ & theo lệ thường niên “Xuân Thu Nhị Kỳ”   nhớ ơn Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Lễ hội mang đến cho con người về việc thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Ở Huế còn có câu thành ngữ dân gian:

"Tháng Bảy Giỗ Cha, Tháng Ba Giỗ Mẹ"

  • Tháng 2 (ÂL) lễ hội xuân tế
  • Ngày 2 -> 3 Tháng 3 (ÂL) lễ Mẫu Thiên Y A Na, Vân Hương Thánh Mẫu
  • Ngày 7 -> 10 tháng 7 (ÂL) lễ hội Thu tế, giỗ Vua Cha Bát Hải Động Đình

Ở Huế, Thánh Mẫu Thiên Y A Na được thờ tại Điện Hòn Chén từ thế kỷ XVI, làng Hải Cát. Nghi lễ tại Điện Hòn Chén rất long trọng, dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị làng về đình. 

Lễ hội thuộc Festival Huế về văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những chiếc Bằng với cờ phướn, hương án đủ màu sắc, hành hương về Điện Hòn Chén.

Nghi Lễ rước Mẫu Thiên Y A Na bắt đầu ở giáo đường Thiên Tiên Thánh Giáo 352 Chi Lăng, Huế -> Điện Hòn Chén -> Đình Làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả.

Lễ rước cử hành trên những chiếc Bằng, trên mỗi Bằng có ban thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na cùng với Long Kiệu. Trên Long Kiệu có hòm sắc của Vua ban Thánh Mẫu, liền kế đó là một bằng khác có ban thờ, kiệu và hòm sắc của Nhị Vị Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thuỷ Cung. Sau đó là những chiếc bằng chở các tự khí, tàn tán cờ quạt.

Long Kiệu Thánh Mẫu Thiên Y A Na được tín nữ y áo trang nghiêm khiêng. Hai bên có lọng, quạt, đi trước có Quan Lớn Đệ Tam Giám Sát Thượng Thiên dẫn đường cùng người bưng bát trầm xông thơm,  đi sau kiệu Thánh Mẫu là đoàn hát chầu văn Thánh Mẫu Thiên Y A Na cùng thiện nam tín nữ trong các bộ trang phục theo 4 cõi Thượng Thiên (Đỏ), Thượng Ngàn (Xanh), Trung Thiên (Trắng), Thoải Phủ (Vàng) trong hóa thân của Lục Vị Tôn Ông, Ngũ Vị Thánh Bà, Thập Nhị Thánh Cậu, Mười Ông Hoàng, Thập Nhị Tiên Cô,...

Cung nghinh Thánh Mẫu lên Điện Hòn Chén rồi về làng Hải Cát và kết thúc là cung nghinh Mẫu hồi loan.

Lễ hội Điện Hòn Chén đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội còn được gọi là Lễ Vía Mẹ Vía Cha của Đạo Mẫu Miền Trung nói riêng và Đạo Mẫu Việt Nam. 

Kết Luận

Mẫu Thiên Y A Na là vị Thánh Mẫu trong Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ, người Mẹ xứ sở ở Nha Trang được dân gian tôn thờ từ xa xưa, biết ơn Mẫu đã cứu khổ độ mê và lâu dần tạo nên Tín Ngưỡng thờ Mẫu, đạo hiếu làm con.

Phú Khánh
 

Blog này chia sẻ kiến thức về thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ là di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận năm 2016. Tín ngưỡng thờ Mẫu đi liền với dân tộc Việt Nam, truyền thống bao đời nay, đề cao chữ “Hiếu” và chữ “Kính”, đặc biệt thêm phần lễ nghĩa. Hiếu với Ông Bà Cha Mẹ, Kính là kính Thánh trọng Thầy.