Mẫu Thủy Cung – Đệ Tam Xích Lân Thủy Cung Thánh Mẫu

Mẫu Thủy Cung là một trong ba Mẫu ngự ngôi Tam Toà, quản cai miền sông nước.

Mẫu là người khởi nguyên ra nguồn biển, sông, nước, ao, đầm. Nước có vai trò duy trì sự sống, được gắn bó với niềm vui nỗi buồn của con người.

Từ lâu đời, dân ta phụng thờ Mẫu là vị Phúc Thuỷ Thần quyền năng điều hoà nguồn nước, luôn sáng tạo và ban phát cho dân gian mọi nguồn hạnh phúc. Mẫu là điểm hội tụ, hồi quang & toả chiếu sức mạnh của các vị Thuỷ Thần.

Mẫu Thuỷ Cung có các danh hiệu khác:

  • Mẫu Đệ Tam Thuỷ Cung
  • Xích Lân Công Chúa
  • Động Đình Công Chúa
  • Ngọc Hồ Thần Nữ

Chữ “Thoải” là đọc lệch từ chữ “Thủy

Thần tích Mẫu Thuỷ Cung ở bản chầu văn Mẫu Thuỷ Cung, tác phẩm “Liễu Nghị Truyền Thư”, phù vua Lý, Trần, Lê chống giặc ngoại xâm.

Thần Tích

Theo Dân Gian

Trong dân gian tương truyền Mẫu Thuỷ Cung vốn là con gái út của Vua Cha Bát Hải Động Đình. Đến tuổi lấy chồng, Vua Cha gả cho Kinh Xuyên. Vợ chồng loan hợp hạnh phúc nhưng khi Kinh Xuyên lấy tiểu thiếp là Thảo Mai. Thảo Mai giáo sở vu oan cho Tiên Chúa, Kinh Xuyên không xét trước sau mà đem đầy Tiên Chúa vào chốn rừng sâu mặc cho thú dữ ăn thịt. 

Khi ở trong rừng có lúc chúa hiện hình thành long xà, khi thì thành mỹ nhân trút sầu với cỏ cây hoa lá. Lòng từ bi của Tiên Chúa khiến không một loài ác thú nào xâm hại đến nàng mà chúng còn nghe lời nàng.

Tiên chúa được sự yêu mến của muông thú, hoa lá cỏ cây. Cũng hay cho con tạo xoay vần mà Tiên Chúa gặp được Liễu Nghị trên đường lai kinh ứng thí đi ngang qua. Nàng đã viết chúc thư và trao cho Liễu Nghị kèm với một kim thoa nhờ chàng manh tới thuỷ cung.

Liễu Nghị nghe theo lời Tiên Chúa chỉ đường mà tới bể đông, dùng kim thoa gõ vào cây ngô đồng như đúng lời dặn. Bỗng dưng nước rẽ làm đôi đón Liễu Nghị vào tới thuỷ cung, ở đây chàng đã tâu trình bức thư phong mà Tiên Chúa gửi gắm. Đọc xong là thư Vua Cha Bát Hải Động Đình nổi giận sai Trưởng Tử Xích Long Hầu đi đón Tiên Chúa hồi cung và đem trừng phạt Kinh Xuyên, Thảo Mai.  Ban cho Tiên Chúa kết nhân duyên với Liễu Nghị.

“Tục Thờ Mẫu Thuỷ Cung Trong Tín Ngưỡng Dân Gian Ở Phú Thọ” 

Truyền thuyết kể rằng, thuở trời đất mới mở mang, rừng núi, sông hồ còn hoang vu, rậm rạp. Kinh Dương Vương thường đi du ngoạn khắp nơi. 

Một hôm tới vùng sông sâu, nước thẳm, gặp một người con gái có sắc đẹp tuyệt trần, xưng là con của Long Vương ở Động Đình Hồ. Kinh Dương Vương đem lòng yêu mến, lấy nàng làm vợ rồi sinh ra Sùng Lãm, chính là Lạc Long Quân (Thuỷ Tổ người Lạc Việt)

Về sau, nàng có công giúp Vua trông coi việc sông biển, làm mưa, chống lụt, chống hạn. Nàng còn âm phù, dương trợ cho các tướng lĩnh hay chính nhà Vua đi chinh chiến, dẹp giặc cứu nước. Do có công cao nghĩa cả nên nhân dân đời sau đã suy tôn nàng là Mẫu Thoải. Lập đền thờ dọc hai bên bờ các dòng sông. Từ đó trong tư duy của người Việt, Mẫu Thuỷ Cung được gắn liền với miền biển & sông nước.

Tác giả Phạm Bá Khiêm

“Mẫu Thoải - Biểu Tượng Thần Nước Trong Tam Toà Tứ Phủ”

Ở làng A Lữ có truyền thuyết:

Thuở đất trời mới mở mang, núi cao, rừng rậm, đầm lầy còn bao phủ gần kín mặt đất, Kinh Dương Vương còn đi dọc khắp mọi vùng, trông nom cõi bờ đất nước. Một ngày kia, khi dạo tới vùng nước còn mênh mông trắng xoá, chỉ lô nhô đôi gò đất cao nổi lên, vua bỗng gặp người con gái có sắc đẹp tuyệt trần, vừa như tiên giáng thế. Vua hỏi nàng xưng là con gái Vua Động Đình Quân Thần Long. Trong lòng cảm động, Kinh Dương Vương lấy nàng làm vợ, sau đó ít lâu sinh ra Sùng Lãm (Lạc Long Quân).

Tác giả Trương Sỹ Hùng 

Dân Gian Tích Truyện (Nghệ An)

Lúc mới mở nước, Kinh Dương Vương đi xem cảnh núi sông, tìm nơi đất lành để xây dựng kinh đô. Khi về tới phương nam, đến vùng Hồng Ngàn, thấy cảnh núi non hùng vĩ, 99 ngọn cao vút, trấn trên Tiên Hội, có thế Rồng vây Hổ Chầu, Dương Vương lấy làm vừa ý, bèn sai đắp thành dưới núi, xây dựng lâu đài thành luỹ... công việc tạm xong,  lại đi thuyền trở ra phương bắc, tiếp tục cuộc tuần du. 

Thuyền của vua theo dòng Thanh Long (Sông Lam) đến gần cửa Hội, bỗng thấy một người con gái mặt hoa da phấn, tóc đen mường mượt, má đỏ hây hây từ dưới nước nổi lên. Sau khi tự xưng là Thần Long, người con gái ấy trở thành vợ Vua Kinh Dương Vương và là mẹ của Lạc Long Quân.

Phù Trợ Trần Hưng Đạo

Năm 1285-1293, vào thời Vua Trần Nhân Tông, quân Nguyên do hai tướng Thoát Hoan và Ô Mã Nhi, đem 10 vạn quân sang xâm chiếm nước ta. Nhà Vua triệu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phong ngài làm Đại Nguyên Sói cất quân đi dẹp giặc. Lúc đoàn quân Hưng Đạo Ngang qua sông Xâm Miện (khu Đền Dầm), thì mặt trời vừa lặn. Hưng Đạo Vương ra lệnh cho quân lên bãi sông cắm trại dừng chân, riêng Trần Hưng Đạo ở trên thuyền.

Vào nửa đêm, ông mơ thấy một người con gái mặc áo trắng, mang đai ngọc lưu ly cưỡi rồng vàng đến trước mặt ông nói rằng: 

"Thiếp là con gái Long Vương là Thủy Tinh Ngọc Dung Công Chúa được lệnh đến giúp Ngài diệt giặc. Ngài hãy đem quân đuổi giặc, thiếp nguyện âm phù trợ giúp"

Tỉnh dậy ông biết là mộng báo có người phò hộ, ông xua quân đại chiến với giặc. Đang khi giao tranh, ông thấy gió bấc thổi về rất mạnh, nước sông cuồn cuộn, sóng nổi ngợp trời làm ho chiến thuyền của giặc bị nhận chìm tơi tả.

Thắng trận trở về, ông dâng biểu lên vua báo công và nêu rõ việc Ngọc Dung báo mộng. Vua sai sứ giả về Xâm Miện vào miếu bái tạ và ban tặng sắc phong:

"Hoàng Long Tĩnh Mạch, Đoan Trang

Anh Linh Thục Diệu Phu Nhân Trung Đẳng Thần"

Phù trợ Vua Lê Thánh Tông

Thời Vua Lê Thánh Tông, nhà Vua đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khi thuyền đi qua sông Lèn thì một trận cuồng phong nổi lên. Vua sai lập đàn tràng để cầu xin các vị thần thánh. Mẫu Thủy hay tin, phái một nữ tướng đến trấn trị, ngay lập tức sông yên gió lặng. Sau khi thắng trận trở về, nhà Vua nhớ công ơn, phong tặng cho Mẫu làm Thủy Phủ Thần Nữ. Đó cũng chính là lý do mà đền Hàn Sơn bên bờ sông Lèn trở thành một trong những ngôi đền thờ Mẫu Thoải nổi tiếng bậc nhất.

Phù Trợ Vua Lê Thần Tông

Vào thời Lê, niên đại Vĩnh Thọ, có lần nước Sông Hồng dâng lên rất cao, tràn cả vào Yên Phụ. Nhà Vua phải thân hành làm lễ Nam Giao (tế cáo trời đất). Mẫu Thủy Cung đã lập tức ứng hiệu và âm phù giúp dân chống lụt và xua đuổi thủy quái.

Phù Trợ Vua Lý Thái Tổ

Vùng đồng bằng Bắc Bộ thường xuyên có nạn lũ lụt. Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ông bắt tay ngay vào công việc trị thủy. Công việc tiến hành phải đến đời vua Lý Thái Tông mới xong, các đoạn đê đã được nối vào nhau và có quy mô gần như ngày nay. Trong những năm xây dựng hệ thống đê, nạn lụt vẫn thường xảy ra. 

Khi đó, Mẫu Thuỷ Cung đã phái các thủy thần, tướng lĩnh của mình đến các làng ven kinh thành Thăng Long để âm phù, giúp dân đắp đê chống lụt. Tại các làng Nhật Chiêu, Quáng Bá, Tây Hồ, Yên Phụ... nay vẫn còn ghi lại các thần tích.

Đền Thờ Mẫu Thuỷ Cung

Đền Hàn Sơn

Toạ lạc tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa được xây dựng cách đây 500 năm được nhà nước cấp bằng di tích vào năm 1992. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đền vẫn giữ được nét cổ xưa. Đến nay đã được nhân dân trong vùng tôn tại, trùng tu lại. 

Thời gian hiện nay, rất nhiều khách thập phương, nhân dân trong vùng, các con đồng vẫn về đây chiêm bái, làm lễ nguyện cầu cho quốc thái dân an, cuộc sống được bình an, mùa màng quanh năm tươi tốt. Nơi đây còn gọi là "Quốc Mẫu Dân Cầu", vì ở đây thờ chính Mẫu Thủy Cung và gần nơi đây vài trăm mét là Ba Bông Linh Từ thờ Cô Bơ Bông. 

Đền Dầm

Toà lạc tại thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đền Có tên khác là Xâm Xương Linh Từ thuộc cụm di tích gần các Đền Đại Lộ, Đền Sở.

Đền Dầm gắn liền với truyền thuyết Mẫu Thủy Cung báo mộng Trần Hưng Đạo âm phù đánh thắng giặc.

Kiến trúc Đền Dầm khá đơn giản, khuôn viên đất đai rộng, kiến trúc theo lối cổ, cây cột gỗ và mái gói theo ngày xưa.

Lễ Hội tổ chức vào ngày Xuân Tuế từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 10 tháng hai âm lịch thường niên.

Đền Bắc Biên

Tọa lạc tại làng Bắc Biên, phường Ngọc Thủy, quận Long Biên, Hà Nội. Tên khác của đền là Phúc Xá Linh Từ, có vị trí sát sông Hồng, phía trước có mạch nước rất rộng, có bãi nổi ở phía ngoài nước, rồi đến dòng sông lớn. Vào mùa nước sông cạn, mạch nước tạo ra 1 cái hồ rộng cạnh sông, nước sông đầy tạo dòng chảy nhìn rất là hữu tình.

Qua nhiều năm lịch sử, đền đã được thay đổi nhiều sơ với lúc trước. Sau năm 1975 đã được trùng tu, phía ngoài là gian tiền tế thờ Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng quan Nam Tào Bắc Đẩu, phía trước thờ Ngũ Vị Tôn Quan, Mười Ông Hoàng. Ban thờ bên hữu thờ Đức Thánh Trần, bên tả là cung Sơn Trang.

Trong Cung Cấm thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Tứ Vị Vua Bà, ở ngoài thờ tượng Mẫu Thủy Cung. Ngoài ra, trong đền còn có các đồ thờ khác như: hoành phi, câu đối, ngai thờ, chuông,... có từ thế kỷ XX. Ngoài sân là khoảng sân rộng, hai bên có lầu Cô, lầu Cậu.

Đền Cửa Đông (Lạng Sơn)

Đền Cái Lân

Tọa lạc tại phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đền có từ thời nhà Trần, nằm ở vị trí chiến lược đổ ra biển của 6 cửa sông, Hưng Đạo Vương lập đền cai quản miền biển cả, sông nước. Ông đã mang chân nhang từ ngôi đền Mẫu Hàn Sơn ở Hà Trung, Thanh Hóa nơi bến Đò Lèn về trấn yểm cho ngôi đền. Nhân dân trong vùng kể rằng, chính nhờ âm phù của Mẫu Thủy Cung mà nhà Trần chiến thắng giặc Nguyên Mông trong nhiều trận thủy chiến.

Trước kia Đền Cái Lân có nhiều tượng, trong đó có tượng Mẫu Thuỷ Cung trong trang phục màu trắng hiệu là Bạch Ngọc Thủy Tinh, tượng có kích thước to như người thật. Ngoài ra, còn có gian thờ Ngũ Vị Tôn Quan và lầu Cô, lầu Cậu ở bên ngoài khuôn viên.

Hiện nay, Đền Cái Lân đã được trung tu lại nhiều lần. Khi cảng Cái Lân được xây dựng, người ta di chuyển đền lên khu vực phía trên đồi cao nên tất cả cổ vật hầu như là bị thất lạc. 

Năm 1986, dân trong làng kể trong khu vực đền cũ có rất nhiều tiền cổ, đồ cổ phải chất lên 4 chiếc xe chở cát chở mới hết và nhiều hũ bạc bị đổ phía sau đền. Chứng tỏ, trước đây nhiều khách thập phương đã về Đền Cái Lân lễ Mẫu. 

Năm 2009, dân trong vùng khởi công xây dựng thêm ngôi chùa bên cạnh đền trong khu vực cảng Cái Lân.

Kết Luận 

Mẫu Thủy Cung là Xích Lân Công Chúa con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, Bà đã âm phù giúp nhiều triều Vua Lê, Lý, Trần chống giặc ngoại xâm, Bà còn phù hộ cho nhân dân ấm no hạnh phúc, che chở vùng biển cả sông nước nước Nam.

Phu Khanh Phú Khánh

Tìm hiểu Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ Việt Nam. Gìn giữ truyền thống thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam.

View all posts