Ông Hoàng Bơ

“Trên Thượng Thiên mây bay năm vẻ 

Dưới Thủy Tề nước rẽ làm đôi

Ông Bơ lịch sự tốt tươi

Biến trên mặt nước cưỡi đôi chép vàng”

Tiệc chính ông Hoàng Bơ nhằm ngày 26/6 hàng năm.

Riêng lễ hội tại Đền Vạn Ngang – Đồ Sơn – Hải Phòng là 3 ngày từ ngày 6 -8/3 (Xuất phát bởi tích Ngài hiển linh đàm đạo với nho sinh sỹ tử tại đây vào 7/3 âm lịch).

Sự tích Ông Hoàng Bơ

Tương truyền Ông Hoàng Bơ hay Ông Bơ Thoải là con vua Cha Bát Hải Động Đình, đứng hàng thứ ba trong Mười Ông Hoàng, ngự cõi Thuỷ Phủ

Khi rảnh rỗi, ông thường rong chơi khắp chốn trên thuyền rồng. Nhân thấy cảnh dân chúng còn nghèo khổ lầm than, ông đã nhận lệnh Vua Cha khâm sai cõi phàm trần, mở hội Phúc Duyên, giáng phúc cho dân buôn bán làm ăn thuận buồm xuôi gió, người có học đỗ đạt thành tài, xã hội bình an yên ấm.

Ông Hoàng Bơ tích xưa hiển linh vùng sông Biển và kèm vào đó là sự đàm đạo với các nho sinh sỹ tử. Theo các cụ đồng cổ kể lại, Ngài chủ yếu hiển linh theo chân Việt tộc âm phù hộ quốc xưa nên nơi có các đền Thoải đều phối thờ ngài.

Đền Cần Hải trước thờ Thủy thần là Ông Hoàng Bơ (thờ chính). Sau này giặc dã đền bị phá và ông Hoàng Chín (con vua Hùng) về đây đóng quân trấn giữ cho xây lại. Sau khi Ông Chín tạ thế thì được nhân dân trong vùng tôn thờ trong đền.

Đến thời Nam Tống, có vị thái tử con vua nước này,  tên Triệu Bính (Tống Khắc Bính). Sau khi bị nhà Bắc Tống đánh bại và thái tử Triệu Bính thác, lính của Ngài đã dong thuyền ra biển Đông và định cư tại Cờn (Cần Hải), Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Dân quân ở đó đồng ý cho ngụ lại, Binh lính cùng dân chúng bản địa dựng lại ngôi đền Cờn và phối hương linh vị Thái tử nhà Tống vào thờ tại đền thờ cùng ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Chín. Đồng thời dựng cả đền Tứ Vị Vua Bà (thờ 3 mẹ con Mẫu ở Lạch Cờn và Hoàng thái tử Tống Đế Bính) ở trên núi, trên nền đền cũ của Ông Bơ tại Cửa Cờn. (Tứ Vị Vua Bà bao gồm cả Thái Tử Triệu Bính cũng được nhân dân thờ ở nhiều nơi từ thời Trần đến nay).

Sau này tam sao thất bản nhiều người đánh đồng vị Thái Tử này với ông Hoàng Bơ (tuy nhiên điển tích này cần được xem xét).

Hầu Ông Hoàng Bơ

Quan Hoàng Bơ là một trong những vị khâm sai nhận lệnh Vua Mẫu đi bắt lính nhận đồng. Khi ngự đồng, Ngài ngự áo trắng có thêu hình rồng uốn lượn thành chữ Thọ, thắt đai vàng, đầu đội khăn xếp thắt lét trắng, cài kim lệch trắng màu bạc. 

 Ngài ngự về tấu hương, khai quang rồi một tay cầm mái chèo, một tay cầm quạt thong thả dạo chơi. Cũng có khi Ông cầm đôi hèo, thể hiện hình ảnh đang cưỡi ngựa ngao du sơn thủy.

Sau khi làm lễ khai quang, Ngài ngự tọa, hiến tửu, nghe thơ và ban phát tài lộc cho bách gia.

Đền thờ Ông Hoàng Bơ

  • Đền Cờn thờ Ông Hoàng Bơ (hiện nay đang có nhiều mâu thuẫn vì đã bị đổi sang thờ chính ông Hoàng Chín).
  • Quần thể di tích Phong Mục gần đền cô Đôi và đền cô Tám Đồi Chè, bên kia sông là Đền Hàn Sơn (Phong Mục, Thanh Hoá).
  • Đền Vạn Ngang (Đồ Sơn, Hải Phòng) nơi tương truyền có sự hiển linh của Ngài, khuông phù cho nho sinh thi cử đỗ đạt.
  • Ngoài ra Ông Hoàng Bơ được phối thờ trong hầu hết các đền. Trong cung Tứ phủ Thánh Hoàng, Quan Hoàng Bơ thường phối thờ với Quan Hoàng Bảy và Quan Hoàng Mười. Một số đền có cung thờ Ông Hoàng Bơ riêng.

Phu Khanh Phú Khánh

Tìm hiểu Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ Việt Nam. Gìn giữ truyền thống thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam.

View all posts