Ông Hoàng Đôi

Sử sách lưu truyền về ngài là một vị tướng toàn tài, hay kinh sử, nhuần binh thư, trung thần phò vua hộ quốc. Thánh Ông Hoàng Đôi từng tham gia nhiều trận đánh trên thượng ngàn và sau này khi hiển thánh, được nhân dân nhiều vùng lập đền nghiêm cẩn thờ kính.

”Hoàng Đôi đem quân lên ngàn 
Đùng đùng súng nổ dậy vang khắp trời”
Sắc phong: Hộ quốc đại tướng tả phù đô đốc đại vương Thánh Hoàng Đôi Bảo Hà

Sự tích Ông Hoàng Đôi

Tích ở Bảo Hà (Lào Cai)

Tương truyền khi sinh thời, ông là người Mán đã có công lớn trong việc đánh giặc vệ quốc. Ông cũng được phong chức Tướng Công trong triều đình. Trong những bản văn về ông Hoàng Bảy Bảo Hà có xuất hiện sự việc ông Hoàng Đôi là người đi đánh trận cùng.

“Doanh trung thường có hai hoàng vào ra 
Quan Hoàng Bảy Bảo Hà chính vị
Cùng tướng công Đệ Nhị Hoàng Hai…”

Tích ở đền Sòng Sơn, đền Phố Cát (Thanh Hoá)

Quan Hoàng Đôi là vị thánh hoàng hầu Mẫu Liễu Hạnh, ngài được sắc phong Thượng Đẳng Thần làm việc thượng ngàn giám sát, là một trong Tứ Vị Khâm Sai đi chấm lính nhận đồng, nhận căn số cho con nhà Tứ Phủ về sau hầu thánh.

Tích ở Thanh Hoa

Ông Hoàng Đôi là con vua cha Bát Hải Động Đình, đứng hàng thứ hai trong Mười Ông Hoàng, Ngài được sai giáng xuống trần đầu thai vào làm con trai nhà họ Nguyễn ở đất Thanh Hoa. 

Lớn lên ngài là một vị tướng toàn tài, hay kinh sử, nhuần binh thư. Ngài là một vị trung thần thời Lê có nhiều công lao trong việc phù giúp nhà Lê dẹp Mạc. Khi đánh nhà Mạc tháo chạy lên Cao Bằng, ngài được phong quan trấn giữ vùng Triệu Tường làm việc an dân. Khi Ngài thác hóa được vua khắc tên lên bảng vàng ghi công và lập đền để hậu thế tưởng nhớ.

Hầu giá Ông Hoàng Đôi

Theo sắc phong Tứ Phủ, Ông Hoàng Đôi ngự đồng áo xanh theo rồng hình chữ thọ, đi mạng chéo. Ngài làm lễ khai quang, đi hèo hoa, ngự tọa, hiến tửu, nghe văn, ban phát tài lộc cho bách gia.

Theo lối cổ chỉ những đồng cựu, thủ nhang, đồng đền, đạo trưởng mới được hầu giá Ông Hoàng Đôi. Nhiều quan điểm cho rằng thường chỉ hầu một trong hai ông vì hai ông đều cùng chinh chiến đánh giặc với nhau. 

Ngày nay người ta hầu Ông Hoàng Bảy là chủ yếu, ít khi hầu Quan Hoàng Đôi, trừ khi ai căn số ông Hoàng Đôi hoặc chính tiệc ông mới thỉnh bóng ông về.

“Ai thời căn số phải hầu 
Lập đàn thỉnh bóng, quy đầu làm tôi”


Chầu Văn Ông Hoàng Đôi

Hoàng Đôi đem quân lên ngàn

Đùng đùng súng nổ dậy vang khắp trời

Sớ văn tấu thỉnh khuyên mời

Thỉnh Hoàng linh ứng ngự chơi đền này

Quan Hoàng vạn phép trong tay

 Tam sanh sửa lễ khi nay khẩn cầu 

Ai thời căn số phải hầu 

Lập đàn thỉnh bóng, quy đầu làm tôi 

Thánh Hoàng hoá phép trên trời 

Hải môn bốn bể khắp nơi quyền hành 

Bảo Hà coi chốn rừng xanh 

Thổ Nùng Thổ mán phục tình làm tôi 

Sắc phong chính hiệu Hoàng Đôi 

Mười hai cửa bề mọi nơi đi về

 Con vua Bát Hải Thủy Tề

Long thần Hoàng cưỡi đi về sớm khuya 

Bấy giờ có sớ dâng lên 

Vua Cha giáng chỉ hạ truyền phán ra 

Kíp ngay diệt lũ yêu ma

Thánh hoàng đội lệnh bước ra sân rồng 

Ba quân, lĩnh ấn công đồng 

Kiếm thiêng ra phép thần thông xoay vần 

Trên trời nổi trận phong vân 

Sai lôi lôi giáng tối tăm mịt mờ 

Pháp màu biến ứng thần cơ 

Quỷ tan tà tán bấy giờ thu lôi 

Chiêng kêu, trống đánh ba hồi

 Thượng đường mở hội đón người lên công 

Vua cha ban sắc tặng phong 

Càng thêm tối tú oai hùng uy quang 

Tiểu tôi bái lạy đức Hoàng 

Dám xin soi xét trần gian lỗi lầm 

Hoàng về giáng lưu ân

Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường.

Đền thờ Ông Hoàng Đôi

Bảo Hà  (Lạng Sơn)

Ông Hoàng Đôi được thờ tại cung Tứ Phủ Ông Hoàng tại đền Bảo Hà, cũng là đền chính thờ ông Hoàng Bảy. Bởi hai ông có mối liên hệ mật thiết, cùng đi đánh giặc vệ quốc.

“Bảo Hà coi chốn rừng xanh 
Thổ Nùng Thổ Mán phục tình làm tôi
Sắc phong chính hiệu Hoàng Đôi
Mười hai cửa bể mọi nơi đi về”

Tượng của Ông Hoàng Đôi màu xanh còn Ông Hoàng Bảy màu tím. Đây cũng là màu áo chính của hai ông trong nghi lễ hầu đồng. Ngoài ra, chùa Quang Minh ngay phía sau đền Bảo Hà là nơi Ông Hoàng Đôi được thờ chính.

Phủ Tây Hồ 

Địa điểm tâm linh thờ phụng Ông Hoàng Đôi. Nơi thờ ông nằm ở bên cung Sơn Trang, nhìn vào hai bên cầu sẽ thấy có hai vị Quan Hoàng đang cưỡi ngựa bạch. 

Một vị mặc áo đỏ, đai vàng, khăn xếp lét màu vàng là Quan Hoàng Tứ. Vị còn lại mặc áo xanh chính là Quan Hoàng Đôi.

Đền Hoàng Đôi Bảo Hà (Cẩm Phả, Quảng Ninh)

Ông Hoàng Đôi được nhân dân rước từ vùng Bảo Hà về đây để thờ.

Ngự trị tại vị trí lưng chừng đồi, lưng tựa sơn lâm mặt hướng về thủy, mặt chính điện quay về phía Nam nơi có Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. 

Đền là đền tư được xây trên nền đất của cụ thủ nhang: cụ đồng Nhâm, cụ bái kính đức thánh Hoàng nên đã rước chân nhang Ngài về để thờ phụng.

Phú Khánh
 

Blog này chia sẻ kiến thức về thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ là di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận năm 2016. Tín ngưỡng thờ Mẫu đi liền với dân tộc Việt Nam, truyền thống bao đời nay, đề cao chữ “Hiếu” và chữ “Kính”, đặc biệt thêm phần lễ nghĩa. Hiếu với Ông Bà Cha Mẹ, Kính là kính Thánh trọng Thầy.