Ông Hoàng Mười
Ông Hoàng Mười là con Vua Cha Bát Hải Động Đình, đứng hàng thứ 10 trong Mười Ông Hoàng. Ngài là vị Thánh Hoàng hào hoa, phong nhã. Ông hay đi chấm & ngự đồng trong các buổi lễ, tiệc.
Chính tiệc Ông Hoàng Mười là ngày mồng 10 tháng 10 âm lịch.
Ngày tiệc bách gia đến lễ thường dân ông cờ quạt, bút sách để cầu tài cầu lộc, cầu công danh cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.
Sự tích Ông Hoàng Mười
Ông Hoàng Mười vốn là thiên quan trên Thiên Đình. Theo lệnh Vua Mẫu, Ông giáng trần để giúp dân phù đời. Khi Ông giáng trần có rất nhiều sự tích.
Tích thứ nhất: Ông Hoàng Mười giáng trần là tướng quân Lê Khôi
Ông là công thần khai quốc nhà Lê Sơ, cũng là tướng lĩnh trong cuộc chiến Lam Sơn lẫy lừng. Lê Khôi là cháu ruột của vua Lê Lợi, được vua giao chức trấn thủ Hóa Châu. Vừa hết lòng trấn thủ, giúp vùng an yên ấm no, ông còn luôn đem quân tiếp ứng cho vua dẹp loạn quân Bế Khắc Thiệu, quân Chiêm Thành,… và lập được nhiều công lao.
Năm 1430, Thái Tổ Lê Lợi sai Lê Khôi trấn giữ châu Thuận Hóa, vì người Man quấy phá.
Lê Khôi vào trấn giữ, dỡ bỏ trạm gác, dạy bảo dân trồng dâu cày ruộng, ngày đêm tập luyện quân sĩ, giữ vững bờ cõi biên cương, lấy nhân đức cai trị. Đánh nhiều trận, bắt nhiều giặc, nhưng ông đều đối đãi tử tế, tha cho về. Giặc Chiêm vừa sợ vừa mến đức ông. Cống sứ Chiêm ra Bắc, đều ghé thăm ông.
Năm 1448, Lê Nhân Tông lên ngôi Vua, vời ông ra làm Nhập nội thiếu úy, coi việc phủ Nghệ An.
Sử chép, khi Lê Khôi quay về trấn Nghệ An, nhân dân đứng đón ông chật hai bên đường. Chỉ vài năm chính sự được công bằng, kiện cáo được xét xử thỏa đáng, mùa màng tốt tươi, dân yên vật thịnh, tiếng ca tụng ân đức của Ông lan truyền từ thành thị đến làng xã ngõ vắng. Tính ông bình dị, gần dân nên được nhân dân cả vùng yêu mến tin tưởng.
Năm 1451, Lê Nhân Tông sai đô đốc Lê Khả đánh dẹp phương Nam, Lê Khôi đem quân bản bộ tiến trước. Khi đến đất địch, tướng giặc biết có quân Lê Khôi bè gọi sang hỏi: “Có phải Tư Mã đến đấy không?”. Ông bèn bỏ mũ trị ra cho giặc nhìn thấy mặt. Giặc đều xuống ngựa lạy xin hàng, nộp cống vật địa phương. Quân Lê Khôi đi đến đâu giặc tan đến đó. Ông đánh vào tận thành Đồ Bàn, bắt chúa Chiêm là Bí Cái, rồi mới thu quân về.
Tích thứ hai: Ông Hoàng Mười giáng trần là Nguyễn Xí
Ông xuất thân tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ông là người có công xông pha chinh chiến giúp vua dẹp quân thù nhà Minh. Ông là bậc đại công thần, là võ tướng, chính trị gia lỗi lạc giúp Lê Lợi chiến đấu chống giặc Minh xâm lược, được vua trọng dụng, giao cho trấn giữ vùng đất quê nhà là Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ông luôn hết lòng vì dân, lo cho dân. Ông đã từng mở kho cứu trợ tiếp tế, sai quân đốn gỗ làm nhà cho dân khi vùng gặp hoạn nạn thiên tai. Tích rằng, trong một lần gió lớn, mưa to, nhà cửa, cây cối của người dân bị bẻ sập, Nguyễn Xí đốc thúc quân lính và đích thân lên rừng đốn gỗ về dựng lại nhà cửa cho dân, sai người mở kho lương thực cứu tế kịp thời. Nhờ đó mà nhiều người đã thoát khỏi đói rét, chết chóc vì bão lũ... Vì vậy được dân chúng khắp nơi tôn sùng, coi như hiền thánh.
Ông còn là vị quan phò tá qua 4 đời vua Lê: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông.
Trong một lần đi thuyền trên sông, thuyền của ông bị nhấn chìm bởi một trận phong bão và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Lúc đưa tiễn ông, trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích điểu. Người ta nói là các thiên binh thiên tướng đang xuống để rước ông về trời.
Vua Lê Thánh Tông hết lòng thương tiếc vị tướng tài, liền truy tặng ông hàm Thái sư cường quốc công và sai lập đền thờ ở Thượng Xá.
Cảm kích trước tấm lòng đức độ của tướng Nguyễn Xí, người dân vùng này tôn ông làm Ông Mười (còn gọi là Ông Mười Củi).
Tích thứ ba: Ông Hoàng Mười giáng trần là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang
Một dị bản giải thích cho sự tích Ông Hoàng Mười ghi chép rằng, ông hóa thân làm Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Lý Nhật Quang là anh em cùng cha khác mẹ với vua Lý Thái Tông.
Từ nhỏ, Lý Nhật Quang nổi tiếng thông minh lỗi lạc, được vua cha dạy bảo nghiêm minh để trở thành rường cột nước nhà. Lớn lên, ông được cử vào châu Nghệ An lo việc thu thuế. Ông làm việc cần mẫn, thanh liêm, chính trực, được nhân dân tin tưởng và sau đó được phong chức tri châu Nghệ An. Nhờ có ông, cuộc sống ở Nghệ An đang hỗn loạn, phức tạp trở thành nơi có kỷ cương phép tắc, bách tính ổn định sinh sống.
Không những vậy, Lý Nhật Quang còn góp công không nhỏ trong việc xây dựng trại Bà Hòa. Nhờ có trại kiên cố vững chắc, vua và quân yên tâm chiến đấu và đã đánh chiếm được Chiêm Thành.
Được vua phong tước Vương, ông vẫn hết sức quan tâm đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế đất nước. Ông đã hướng dẫn nhân dân dệt lụa, dệt vải, làm nông,… và trở thành tổ sư của nhiều nghề thủ công nghiệp tại Nghệ An. Với con mắt của danh tướng có tầm nhìn chiến lược sâu sắc, ông đã trấn an lòng dân, khai đất khẩn hoang, tạo dựng các tiềm năng thế mạnh để giữ gìn và phát triển bờ cõi đất nước.
Khi mất, ông được nhân dân hai vùng Nghệ An, Hà Tĩnh lập đền thờ phụng ở rất nhiều nơi để bày tỏ công ơn, ghi dấu sự tích đền ông Hoàng Mười.
Cả ba tích đều nói về 3 vị tướng tài của đất nước, hết lòng vì nước vì dân và trấn thủ vùng đất Nghệ An Hà Tĩnh.
Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười vừa bởi ông là người con thứ Mười của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, đồng thời với ý nghĩa số “mười” mang sự vẹn đầy, viên mãn, giống như ông Mười là người văn võ song toàn, tài đức trọn vẹn, không những ông xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương.
Hầu Ông Hoàng Mười
Ông Hoàng Mười được coi là một trong hai vị quan Hoàng hay về ngự đồng nhất, do ông được Mẫu giao đi chấm lính bắt đồng.
Theo tâm linh, số mệnh mỗi người khi sinh ra đã được định sẵn. Người ta truyền tai rằng những người sát căn ông Hoàng Mười thường có những điểm chung rất giống nhau: Hào hoa phong nhã, văn võ song toàn đặc biệt là văn chương rất giỏi, đường công danh sáng láng, nhiều người đỗ đạt làm quan to.
Khi ngự về đồng Ông Hoàng Mười ngự áo vàng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch màu vàng kim.
Ông ngự về tấu hương rồi khai quang, có khi ông múa cờ xông pha chinh chiến, có khi lại lấy quạt làm quyển thư, lấy bút gài đầu để đi bách bộ vịnh phú ngâm thơ, có khi ông lại cầm dải lụa vàng như đang cùng người dân lao động kéo lưới trên sông Lam (quan niệm cho rằng đó cũng là ông kéo tài kéo lộc về cho bản đền) và ông cũng cầm hèo lên ngựa đi chấm đồng.
“Hèo hoa trẩy hội Tiên Hương
Chấm đồng nhận lính khắp miền Đông Tây.”
Khi ông ngự vui, bách gia đệ tử dâng đọi chè xanh, miếng trầu vàng cau đậu, thuốc lá, cung văn tấu những điệu Hò Xứ Nghệ rất mượt mà êm tai.
Ông ngự đồng ban tài, ban lộc, thưởng thơ, thưởng, trà, rượu.. Theo dân gian Ông Hoàng Mười là vị thánh thường ban lộc cho phát về công danh sự nghiệp, độ cho các con nhang đệ tử về khoẻ mạnh, học hành, công việc, công danh, bình an.
“Độ cho đắc lộc tài sai
Thọ khang phú quý trong ngoài hanh thông
Bốn mùa xuân hạ thu đông
Thu Đông tiếp lộc, hạ xuân tiếp tài
Ai mà ăn nói đơn sai
Dù cho của cải cũng để ngoài bể đông
Thương ai chấm lính nhận đồng
Tu nhân tích đức lên công vẹn thành”
Cành hồng thấp thoáng trăng thanh
Nghệ An có đức thánh minh ra đời
Gươm thiêng chống đất chỉ trời
Đánh Đông, dẹp Bắc việc ngoài binh nhung
Thanh xuân một đấng anh hùng
Tài danh nổi tiếng khắp vùng Trời Nam
Hai vai nặng gánh cương thường
Sông Lam sóng cả, buồm dương một chèo
Dựng nền đức Thuấn nhân Nghiêu
Sóng yên bể lặng sớm chiều thảnh thơi
Khi Bích động lúc Bồng lai
Non nhân, nước trí mọi nơi ra vào
Cỏ hoa hớn hở đón chào
Nhớ xưa Lưu Nguyễn lạc vào Thiên thai
Trời Nam có đức Hoàng Mười
Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai
Nền chí dũng, bậc thiên tài
Văn thao, võ lược tư Trời thông minh
Tiêu dao di dưỡng tang tình
Thơ Tiên một túi, Phật Kinh trăm tờ
Khi Phong nguyệt, lúc bi từ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng trong
Khi Thiếu lĩnh, lúc non Bồng
Cành cây mắc võng, lòng sông ngự thuyền
Người Thành thị, khách Lâm tuyền
Nam thanh nữ tú mình quyền bóng sang
Phong quang đẹp ý Đức Hoàng
Khác nào Thu cúc, Xuân lan tới tuần
Xiết bao bể ái, nguồn ân
Ban Tài, tiếp Lộc, thi nhân, thi từ
Cát đằng thuận gió xuân đưa
Xuôi lòng quân tử đề thơ hảo cầu
Năm ba Tiên nữ theo hầu
Trăm hoa cài tóc, nhiễu Tàu vắt vai
Phong hoa tuyết Nguyệt đượm mùi
Dâng câu thiên bảo chúc lời tăng long
Trần duyên chưa trút được lòng
Đường mây sớm trở xe hồng thượng Thiên
Nghe thường hội nghị quần Tiên
Nghe tin người đến thiên duyên chạnh lòng
Vân tiên mượn cánh chim hồng
Xin người soi tỏ tấc lòng cho chăng?
Cầu Ô đem bắc sông Ngân
Ngồi trong cung Quảng đêm Xuân mơ màng
Bóng trăng soi tỏ canh trường
Đã cam tấc dạ tuyết sương cùng người
Thủy tiên dìu dặt đón mời
Bấy lâu khao khát đầy vơi chạnh lòng
Vượt bể đào tới ngàn xanh
Đường Tiên cảnh cũ nặng tình nước non
Trúc xinh cô Quế cũng giòn
Phù dung yểu điệu, mẫu đơn não nùng
Ngày ngày lên núi ngóng trông
Đỏ hai khóe hạnh chờ mong Đức Hoàng
Nhớ xưa hẹn ngọc, thề vàng
Mừng nay tỏ mặt Đức Hoàng tới nơi
Lên núi rồi lại xuống đồi
Dưới trăng luống những đứng ngồi ngẩn ngơ
Vào rừng hái lá đề thơ
Cậy đôi cánh Nhạn tin đưa tới người
Cõi Trần mở tiệc mừng vui
Đông về nhớ Đức Hoàng Mười giáng sinh
Rượu đào kính chúc Thánh minh
Phong hoa, tuyết nguyệt phẩm bình mấy chương
Ngẫm câu Thế sự vô thường
Tấc son mượn nước cành dương tưới nhuần
Vắng người vắng cả mùa Xuân
Nhớ người vì Nước, vì Dân, vì Đời
Thế gian nhớ miệng Hoàng cười
Nhớ khăn Hoàng chít, nhớ lời Hoàng ban
Khi phố Cát, lúc đồi Ngang
Nón kinh vó ngựa, dăm ngàn tiêu dao
Đường đường cung kiếm anh hào
Túi thơ, bầu rượu sớm chiều xênh xang
Hèo hoa chảy hội Tiên hương
Chấm đồng nhận lính khắp miền Đông Tây
Khi nương gió, lúc cưỡi mây
Khi rung khánh ngọc, khi lay chuông vàng
Hoàng về gối xếp ai mang
Hèo hoa ai vác ngựa vàng ai trông
Lệnh truyền cô Quế, cô Hồng
Hèo hoa, gối xếp, đèn lồng tay mang
Cô Lan, cô Huệ xếp hàng
Gióng yên, dắt ngựa lên đàng vân du
Thuyền Rồng thấp thoáng chèo đưa
Tinh kỳ nhã nhạc Hoàng về Nghệ An.
Đất lề quê thói Nghệ An
Miếng trầu cau đậu dâng quan Hoàng Mười
Trông hoa lại nhớ đến Người
Đông về lại nhớ Hoàng Mười Nghệ An
Đất Nghệ An có anh hùng hào kiệt
Tiếng Ông Mười lẫm liệt ngàn xưa
Vung gươm lên ngựa đề cờ
Ra tay gìn giữ cõi bờ Việt Nam
Chí anh hùng ra tay giữ nước
Đi tới đâu giặc phải tan ngay
Việt Nam ghi chép sử này
Cung cao điện ngọc đêm ngày khói nhang
Khi hội nghị luận bàn việc nước
Hoàng mang tài thao lược hiến dâng
Lĩnh sắc rồng khiển tướng điều quân
Gươm thiêng ba thước, ngựa hồng xông pha
Đò từ Đông Ba đò qua Vĩ Dạ
Đò từ Đầm Đá tới Phú Vân Lâu
Non xanh nước biếc một màu
Một con đò nhỏ về thăm cảnh Nghệ An
Cũng có phen lên ngàn xuống bể
Trở ra về phủ tía lầu son
Cũng có phen ngắm ánh trăng tròn
Khi xem huê nở khi chờ trăng lên
Đường về xứ Nghệ nghĩa tình
Sông Lam núi Quyết địa linh bao đời
Tam Kỳ Mỏ Hạc là nơi
Đền thờ lăng mộ đời đời khói nhang
Nước sông Lam răng trong răng đục
Gạo chợ Chùa vừa trắng vừa trong
Ghế ông tình mặn nghĩa nồng
Điều lành điều dữ sá cùng trần gian
Muối ba năm muối kia còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Ghế ông đây tình nặng nghĩa dày
Xa xôi chăng mấy cũng về đây ngự đồng
Thuyền rồng còn đợi bến sông
Chở các thanh đồng đi hội Nghệ An
Cho dù cách trở sông Lam
Có cầu Bến Thuỷ bắc ngang đôi bờ
Dòng sông Lam bên lở bên bồi
Dấu thiêng Hoàng để muôn đời khói nhang
Đất Thiên Bản còn nhớ người trấn thủ
Đền Mẫu Phủ Dầy lồng lộng chữ công danh
Ông Mười trấn thủ trong thành
Mười ba năm lẻ còn nức danh tướng tài
Thành Huế ơi sông Hương răng núi Ngự
Cầu Tràng Tiền, Bến Thuỷ đẹp long lanh
Năm cửa ô về tới đô thành
Nam Đàn xứ Nghệ nức danh Hoàng Mười
Đường vô xứ Nghệ loanh quanh
Nơi Ông Mười ngự như tranh hoạ đồ
Ai vô xứ Nghệ thời vô
Qua cầu Bến Thuỷ tới kinh đô Hoàng Mười
Ngắm xem phong cảnh đất trời
Nghệ An mến khách mến người trọng ân
Cỏ cây chưa trút bụi trần
Đường về chẳng biết rằng gần hay xa
Xinh thay hỡi thú yên hà
Đào nguyên ướm hỏi ai là chủ nhân
Đường xa muôn dặm cũng gần
Giáng lâm giá vũ đằng vân ngự đồng
Chim khôn đã phải cẩm lồng
Cau non, thuốc lá chiều lòng (Hoàng) chơi
Vân du góc bể chân trời
Không đâu lịch sự bằng nơi đền này
Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây
Sông Lam hết nước ghế ông đây chưa hết lộc tài
Độ cho đắc lộc tài sai
Thọ khang phú quý trong ngoài hanh thông
Bốn mùa xuân hạ thu đông
Thu Đông tiếp lộc, hạ xuân tiếp tài
Ai mà ăn nói đơn sai
Dù cho của cải cũng để ngoài bể đông
Thương ai chấm lính nhận đồng
Tu nhân tích đức lên công vẹn thành
Ai ơi nên ở cho lành
Kiếp này chưa trọn Hoàng để dành kiếp sau
Nào trời có phụ ai đâu
Sở nguyện như ý sở cầu tòng tâm
Ai mà tích đức tu nhân
Đắp bồi cội phúc thêm phần đề đa
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Ghế Hoàng bao nhiêu tuổi mà vẫn hào hoa như thuở nào
Đời người chỉ ngắn tấc gang
Gắng tu nhân tích đức, vẻ vang sau này
Như cây muốn tốt xanh cành
Tưới lan lan tốt, vun hồng hồng xanh
Nhất tâm tu đức, Hoàng dành phần cho
Người ơi đừng ngại chớ lo
Cõi tu bể rộng, khéo dò đến nơi
Người ta sống ở trên đời
Tiền dòng bạc chảy để rồi làm chi
Cuối cùng cũng chẳng đem đi
Đem đi cũng chẳng làm gì cho ai
Cho nên có lộc có tài
Có phúc để hưởng lộc tài Hoàng ban
Kẻ nào dạ hiểm lòng gian
Đảo điên tráo trở xóa tan sạch lầu
Ai thủy chung đức độ trước sau
Mở đường hạnh phúc, bắc cầu vinh hoa
Hoàng cho rộng cửa cao nhà
Buôn may bán đắt lộc tài đề đa
Thương ai vất vả đoạn trường
Gian nan càng lắm, Hoàng thương càng nhiều
Chở che che chở mọi điều
Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai
Hoàng cho lộc ta cho tài
Chiều vơi tối cạn, sớm mai lại đầy
Nhắc ai nhớ lấy câu này:
“Càng nhiều tâm đức, càng nhiều vinh hoa”
Lòng trời lượng bể bao la
Đuốc thần luôn chiếu rạng khắp hải hà sơn khê
Đã thương vạn sự chẳng nề
Trăm điều chếch lệch cũng kê cho bằng
Trên trời vằng vặc ngôi sao
Trời nam chói lọi anh hào cổ xưa
Thương người dầu dãi nắng mưa
Thương người đi sớm về trưa nặng lòng
Chứng tâm chứng lộc cho đồng
Cho cầu nên ước được gia trung thuận hoà
Các cô quạt nước pha trà
Quần tiên múa hát xướng ca hoạ vần
Cô dâng lên chiếc quạt trầm
Nghiên vàng bút ngọc ân cần khoan thai
Đầu lược giắt, chân giậm văn hài
Cô cả dâng điếu ngự, cô nàng hai theo hầu
Cô ba gối xếp theo sau
Đất lề quê thói cô tư têm trầu Hoàng xơi
Cô năm dâng giá gương soi
Còn cô nàng sáu rượu mời dâng ông
Cô bảy dâng đoá huê hồng
Còn cô nàng tám kiệu rồng rước lên
Cô Chín múa lượn xênh tiền
Thướt tha yểu điệu khách tiên mơ màng
Cô Mười thỏ thẻ oanh vàng
Tiếng tiêu cô thổi khiến lòng Hoàng nâng nâng
Cô mười một thơ hoạ đôi vần
Dâng ông quý vật kì tân đủ mùi
Cô mười hai sắc nước hương trời
Mười hai cô tiên nữ
phò giá Ông Mười lai kinh.
Ông Hoàng Mười trấn thủ đất Nghệ An
Về Thiên Bản làm quan đất Phủ Dầy
Sông Lam Hồng lĩnh đẹp như tranh
Tạo hóa xưa kia đã lập thành
Muôn thủa núi sông bền vững mãi
Nam đàn xứ Nghệ mãi còn danh
Nghe tiếng chuông vang
Con thấy ông quan Hoàng loan giá nơi Tây hồ
Mặc áo vàng gấm thêu hoàng hoa
Tay tiên viết câu thơ thần
Quạt ngà gió bay gần xa
Ngày ngày bên lầu
Hai nàng tiên nữ thướt tha yêu kiều
Dàn dâng lên khúc Nam thương
Giọng ngân líu lô oanh vàng
Để lòng Hoàng xiết bao niềm vui
Khi xa chúng nhân xa rồi
Mà lòng còn luyến lưu đầy vơi
Tiệc vui hôm nay vui quá đi thôi
Hát ca tưng bừng ngự vui
Để tiên cảnh đèn hoa tươi
Mây trên trời cũng ngừng trôi
Đón quan Hoàng ngự vui
Tiệc vui Ông về bút phê sớ hồng
Độ cho ghế họ...trong nhà tốt tươi màu hồng
Đệ tử hôm nay cầu mong tôn kính
bái Phật tuyên kinh
Mà lầm lỡ điều chi con xin ông
hóa phép thần thông
Chứng giám cho họ...
Người trần gian ai mà nặng căn cao số
Cúi xin ông Mười ông ban tài tiếp lộc đề đa
Xưa ngoại bang xâm lấn giang sơn cõi bờ
Vâng lệnh Vua cha,
Hoàng lĩnh ấn phong kiếm cờ
Xua loài xâm lăng phút tan không ngờ
Khải hoàn ca hạc sa theo gió mây bóng về tiên
Trời Nam sáng khí linh thiêng
Nước non này mãi mãi được bình yên
Cõi Bồng lai,
chợt nghe tấu đối ghế ông tâm thành
Vâng lệnh Vua cha,
Hoàng xuống nơi dương trần
Vâng lệnh Mẫu vương,
Hoàng giáng lên ngự đồng
Hoàng về đây
Ngàn hoa thơm ngát, hương khói quyện bay
Rằng ngày hôm nay khánh lắc chuông lay
Khoác áo hoàng bào nhẫn ngọc lồng tay
Đường về Nghệ An, ngàn mây xanh thắm
Nắng sớm long lanh, núi Hồng soi bóng dòng Lam
Tiếng chim ca hòa trong gió, gió bay rộn ràng
Về Nghệ an thấy lòng xốn xang
Nghe danh thơm quan Hoàng ban
Xin cúi đầu thắp một tuần nhang
Cầu xin quan Hoàng ban cho phước lớn
Bán đắt buôn may,
xuôi ngược nẻo đông đường tây
Bước chân đi Quan Hoàng đưa lối dắt tay chỉ đường
Đời gian nan khó nhọc hoang mang
Ai nhất tâm quan Hoàng ban
Nương bóng Hoàng sẽ được bình an
Từ Nghệ an quan Hoàng giáng lâm nơi này
Dù đường xa cách trở
đâu ngại gió sương đêm ngày
Hoàng ngự về đây, đồng sang bóng quý
Quan Hoàng ngất ngây
Sau trước gần xa,
xem ai hữu duyên Hoàng thương
Ông thương cho họ...
thập niên bình yên mãi mãi
Tiếng ca cung đàn đón Hoàng vui ngự về đền đây
Cúi xin ông ban phước cho thanh đồng
Cho tiếng ca cung đàn
Cho người trần thế chúng con bình an
Bốn phương nước non thanh bình
Đời đời cháu con hiển vinh
Đời người
Ai mà có lần may mắn
ngắm dung nhan Hoàng
Ngự đồng ảnh bóng xuống dương gian
Mới hay trong tiệc Đạo lành
Ngự đầu đồng có ai đẹp bằng quan
Khi ông giá lâm thượng đồng
Đẹp rạng ngời sáng lên hào quang
Người ta nam bắc đông tây
Bán buôn trăm nghề đều gặp may
Còn chúng con cứ miệt mài mê say
Dâng cung đàn tiếng ca
xin quan Hoàng chứng tâm
Trầm hương bay ngát thơm trong đền
Hương lòng chân quý
Nguyện dâng lên Đức Thánh ông Hoàng Mười
Đàn tràng hôm nay
con nguyện xin Thánh tôn ngự về
Tỏ lòng nhân thứ kính xin Hoàng Mười độ cho
Các ghế giầu sang vẻ vang
Khúc văn ca để tấu dâng Hoàng…
Hội rồng mây…quần tiên ca vũ
Gió ngát , hương bay…
tấu nguyện Thánh tôn về đây
Chiếc long xa , ông Mười cưỡi gió rẽ mây vội vàng
Ngự từ trung chính điện vẻ vang
Ai có tâm Thánh Hoàng thương
Phúc ân Hoàng chiếu ban sáng tỏ thọ khang
Dâng khúc ca thành tâm
Dâng kính tôn ông Mười
Hương khói bay ngập trời
Ngạt ngào khói thơm mọi nơi
Ước mong Thánh ân gia hộ
Hộ trì ghế ông bình an
Văn đàn tâm thành chuyên nhất
Đắm say cung bậc…
tâm thành cung kính nguyện đâng
Kính xin Thánh ân gia hộ
Độ muôn nhà phúc duyên tụ lai
Ghế ông nhất tâm tiệc bầy
Đàn tràng sắt son tình thâm
Ngàn muôn câu hát dâng lên
Kính xin Đức Hoàng ngự thương
Chúng con nguyện muôn đời tựa nương
Kính xin Hoàng, Ông gia hộ độ thương...
Mừng quan Hoàng, là mừng quan Hoàng
Vui ngự trần gian
Ngàn hoa nở đua sắc phô nhan
Hương bay ngào ngạt
Người quân tử vâng lệnh sai giá ngự trần gian
Ban lộc tài cho đấng vô thường
Thuyền ai ngự, mà thuyền ai ngự
Sóng nước mênh mang,
Có phải Cô Bơ nàng, khoan hò khoan
Đang đẩy nhịp chèo rước ông Mười lên
Quan Hoàng Mười lên
khắp nơi nhã nhạc lừng vang.
Quan Hoàng loan giá
Khắp nhân gian chúng con mừng vui
Đền đây đẹp, là đền đây đẹp
Trang nhã phong quang...
Ông Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An
Về huyện Thiên Bản làm quan Phủ Dầy
Hát cờn Huế:
Vô chùa niệm Phật Quan Âm
Phật ban Bốn chữ “Minh, Tâm, Thiện, Tài”
Trong thời học phép Như Lai
Đêm đêm ôn luyện văn bài, sử kinh
Tiêu dao di dưỡng tang tình Thơ Tiên
Một túi sách Phật kinh trăm tờ
Lúc thanh nhàn hoạ phú ngâm thơ
Khi phong nguyệt lúc bi từ
Sớm xem hoa nở, rồi chờ trăng lên
Khi tiêu lĩnh lúc lại non bồng
Cành cây mắc võng dòng sông ngự thuyền
Thăng long kén khách lâm thuyền
Nam thanh nữ tú mình quyền bóng ông
Phong quang đẹp ý ông Hoàng
Khác nào thu cúc, xuân loan tứ tuần.
Bản I:
Đêm thanh ngoạn cảnh vườn đào
Bút tiên nghiên ngọc đề thơ tiên
Bút phát linh linh bút sa tà tinh
Ông Mười đi thất bộ, đề bài thơ Lý Đỗ
Độ cho trăm họ an lành
Ông cầm bút, họa vần thơ tiên
Họa ra bốn chữ “Khang, Ninh, Thọ, Trường.
Bản II:
Bút pháp tửu nhập thần
Hoa khai quả kết vạn cảnh xuân
Tay Tiên bình bút an trăm họ
Thiên hạ âu ca hưởng thái bình
Mới hay là thú hữu tình
Gió trăng bầu bạn rượu bình tri ân
Trông lên đỉnh giáp non thần
Cảnh Tiên như giục bước chân lên ngàn
Thung dung giữa chốn thạch bàn
Tai nghe tiếng hát tiếng đàn thông reo
Nhìn lên đỉnh núi chân đèo
Suối trong nước chảy trúc reo quanh đồi
Hương thơm thoang thoảng gọi mời
Bồng lai tiên cảnh giữa nơi phàm trần.
Rượu đào xin ông Mười nhấp chén cho say
Trăm hoa giao kết mừng ngày tiệc vui
Tính tình tay tiên rót chén rượu đào
Dâng nhất tuần sớ,
Dâng lên cung Mẫu, dâng lên bệ ngọc
Các cô dâng mời là mời rước ông Mười xơi
Dâng nhị tuần á, tính tình tay tiên
Rót chén rượu đào
Dâng lên cung mẫu, dâng lên bệ ngọc
Các cô dâng mời là mời rước ông Mười xơi
Tam bôi, rót chén rượu đào
Dâng lên cung Mẫu dâng lên Bệ Ngọc
Các cô dâng mời là mời rước ông Mười xơi.
Đền thờ Ông Hoàng Mười
Mỏ Hạc Linh Từ
Đền lại được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau giữa ba con sông (Sông Lam, Sông La và Sông Minh), được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất hình con Hạc. Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là Đền Mỏ Hạc hay Mỏ Hạc Linh Từ, nghĩa là một vùng đất linh thiêng
Đền Chợ Củi
Xa xưa thờ Mẫu Liễu, sau đó thờ các vị tướng có công với vùng Nghệ Tĩnh.
Khi xưa đi lễ thường hay gọi là đền thờ ông hoàng Nghệ (Chữ Nghệ乂: Tài giỏi, cai trị được yên dân), sau này mới được biết đến là đền thờ Ông Hoàng Mười. Tương truyền, nơi đây cũng là nơi năm xưa kim thân ông trôi về và hóa, qua cây cầu Bến Thủy, bên sông Lam, núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.