Ông Hoàng Năm
Ông Hoàng Năm là con Vua Cha Bát Hải Động Đình, đứng hàng thứ năm trong Mười Ông Hoàng (Tứ Phủ Ông Hoàng). Ông được Vua Cha giao giữ sổ Đền Rồng.
Ông không giáng sinh và có tích cho rằng Ngài giáng sinh là Hoàng Công Chất cùng thời với Ông Hoàng Tư là nguyễn Hữu Cầu.
Bản Phủ Then chất chúa xứ Mường Thánh Hoàng Năm
Sự Tích Ông Hoàng Năm
Hoàng Công Chất là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình Lê Trịnh cứu dân nghèo vì nghĩa lớn “Bảo Quốc an dân” diệt cường hào ác bá, lấy của giàu chia cho dân nghèo.
Với hoài bão xoá bỏ bất công, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước thống nhất giang sơn, thái bình muôn thủa.
Năm 1739, Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu đi theo Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển hoạt động ở vùng Sơn Nam. Sau khi quân Nguyễn Cừ bị đánh bại, Công Chất tụ tập lực lượng riêng tiếp tục hoạt động ở Sơn Nam. Quân khởi nghĩa giỏi thuỷ chiến, thường ra vào nơi cỏ rậm bùn lầy không để lại dấu tích.
Năm 1751, Hoàng Công Chất rút quân lên Điện Biên tính kế lâu dài.
Tại đây quân khởi nghĩa đã lấy thành Tam Vạn do người Lự xây dựng trước đó (tiếng Thái gọi là Sam Mứn) làm đại bản doanh. Tương truyền tên gọi Tam Vạn là do trong thành có thể chứa 3 vạn quân (có tích nói rằng vì trong thành có 3 vạn cối giã gạo).
Sau đó nhận thấy thành Tam Vạn ở địa thế bất lợi, Công Chất xây thành Bản Phủ làm căn cứ.
Hoàng Công Chất rất được lòng dân bản địa. Ngài đắp lũy xây thành bảo an, diệt trừ giặc Phẻ bảo vệ nhân dân, lại khai hóa các vùng Mán – Tày – Nùng, chia ruộng cho dân nghèo, dạy dân canh tác trồng trọt ổn định cuộc sống, lôi kéo những người cầm đầu ở các châu mường, phát triển lực lượng ra khắp miền Tây Bắc.
Nhân dân đội ơn Ngài tôn xưng ông là "Then Chất” với ý tôn kính (tiếng Thái là "Thiên Chết”).
Trong Quán tổ Mường (sử người Thái ở Tây Bắc) tôn xưng Ông là Vua Hoàng (chúa của bản làng).
Dân gian vùng này còn truyền câu hát:
“Dưới xuôi có Vua Trên này có Chúa
Những miền từ Mường Puồn, châu Ét
Từ Đà Bắc, chợ Bờ
Lại phía trên từ chợ Xo, La trở xuống
Tất cả đều quy phục chúa Mường Thanh…
… Chúa thật lòng yêu dân
Chúa xây dựng bản Mường Mọi người đều yên ổn…”
Quân khởi nghĩa của Công Chất ngoài người Kinh còn có nhiều người dân tộc. Các tướng dưới quyền Công Chất nổi danh có: Bun Xao, Cầm Phẳn, anh em Ngải-Khanh, cha con Cầm Tom, Cầm Phanh.
Nghĩa quân phát triển mạnh mẽ, làm chủ 10 châu Yên Tây, ngày nay thuộc địa bàn Lai Châu và một phần Vân Nam (Trung Quốc).
Cuối năm 1767, Công Chất từ Yên Tây đánh xuống chiếm châu Mộc (Sơn La), châu Mai (Hoà Bình), lại chia quân tiến xuống thượng du Thanh Hóa.
Năm 1768, khi cuộc khởi nghĩa đang vào lúc căng thẳng thì Hoàng Công Chất lâm bệnh và mất tại thành Bản Phủ. Con trai Ngài là Hoàng Công Toản tiếp tục cầm quân chống Trịnh nhưng sau bị triều đình đánh dẹp. Khởi nghĩa thất bại.
Mộ Ngài bị đào lên và vứt thân y xuống sông. Nhân dân nhớ ơn lập đền thờ Ngài.
Hầu Ông Hoàng Năm
Ông Hoàng Năm ngự đồng y áo màu xanh, đi nét xanh, mạng chéo. Ngài về lễ hương, đi cờ kiếm, ngự toạ hiến tửu nghe văn, ban lộc cho bách gia.
Ông ít khi ngự đồng, thường ai có căn lục bộ khâm sai mới hầu Ngài.
Đền Thờ
Đền thờ Ông Hoàng Năm là đền thờ Hoàng Công Chất tại thành Bản Phủ (TP. Điện Biên). Nơi đây còn thờ cả 6 vị tướng nổi tiếng của ông.
Hàng năm, vào ngày 5 tháng Năm (ngày chiến thắng giặc Phẻ), đồng bào các dân tộc cùng nhau tổ chức lễ hội tại đền Bản Phủ, cúng “Then Chất” và 6 vị tướng lĩnh.
Ngài được người Thái tôn thờ như một trong những người sáng lập ra bản Mường cùng với Lạng Chượng, Khun Mứn…
Sau này, để phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào Thái, lễ hội được tổ chức từ ngày 24 – 28 tháng Hai, chính hội là ngày 25, cùng thời điểm tổ chức lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái Mường Thanh.