Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh

Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh có danh hiệu khác là Tôn Ông Đệ Ngũ Tuần Tranh. Ngài đứng hàng thứ năm trong Ngũ Vị Tôn Ông.

Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế ban cho Ngài thống lĩnh thiên địa binh, thay quyền Tam Tứ Phủ đại diện cho con người, thu chấp kim ngân tài mã, giải oan nghiệp sớ cho trần gian.

Sắc phong

“Đệ Ngũ Tôn Quan Thượng Đẳng Tối Linh Thần
Cao Lỗ Đại Vương – Đệ Ngũ Tuần Tranh”

Ngày tiệc chính:

  • 14/2 Đản Sinh 
  • 25/5 ngày hóa Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh

Thần Tích

Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh giáng sinh dưới thời Vua Hùng thứ XVIII, trong một gia đình ở phủ Ninh Giang (Hải Dương), ông cũng là vị tướng quân tài ba kiêm lĩnh thuỷ bộ, được giao quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh. 

Ngài đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong công hầu. Tại quê nhà, ông có cảm tình với một người thiếu nữ xinh đẹp, người thiếu nữ ấy vốn là vợ lẽ của quan huyện ở đó, nhưng vốn không hạnh phúc với cảnh “chồng chung”, nàng cũng đáp lại tình cảm của ông mà không hề nói cho ông biết là nàng đã có chồng. Vậy nên Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh vẫn đinh ninh đó là một tình cảm đẹp, hẹn ngày đưa nàng về làm vợ. Đến khi viên quan huyện kia biết chuyện, vu oan cho ông đã quyến rũ vợ mình. 

Ông bỗng nhiên mắc hàm oan, bị đem đày lên chốn Kì Cùng, Lạng Sơn. Tại đây, ông đã tự sát mong rửa oan, chứng tỏ mình vô tội, ông hoá xuống dòng sông Kì Cùng. Về lại nơi quê nhà, Ông hiện thành đôi bạch xà, thử lòng ông bà lão nông, sau đó được ông bà nuôi nấng như thể con mình. 

Nhưng khi quan phủ biết chuyện ông bà nông lão tậu gà để nuôi đôi bạch xà, liền bắt ông bà phải lên cửa công chịu tội và giết chết đôi rắn kia đi. Hai ông bà thương xót, xin thả rắn xuống dòng sông Tranh, lạ thay khi vừa thả đôi bạch xà xuống thì chỗ đó tạo thành dòng xoáy dữ dội. 

Đến thời Thục Phán An Dương Vương, vua tập hợp thuyền bè để chống Triệu Đà ở ngay bến sông Tranh, nhưng tại chỗ dòng xoáy đó, thuyền bè không tài nào qua được mà lại có cơn giông tố nổi lên giữa dòng. Vua bèn mời các vị lão làng đến lập đàn cầu đảo thì lập tức sóng yên bể lặng, hơn nữa, quân sĩ ra trận cũng được thắng to. 

Ghi nhớ công đức, vua Thục giải oan cho Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh và phong là "Giảo Long Hầu"

Sau này, Ngài hiển Thánh linh ứng, có phép nhà Trời, cai quản âm binh, ra oai giúp dân sát quỷ trừ tà, dẹp hết những kẻ hại nước hại dân.

Hầu Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh

Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh Ngự đồng y áo, khăn xếp màu xanh dương, đai màu tùy ý phù hợp với y áo. Ngài Ngự đồng tấu hương, khai quang, đi thanh long đao, an tọa làm việc quan, phán truyền, ban tài tiếp lộc,...

Khi có đại đàn mở phủ, sau khi thỉnh các giá về, đều phải đợi đến khi giá Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh về chứng một lần hết tất cả các đàn mã sở rồi mới được đem đi hoá.

Đền Thờ Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh

Quan Lớn Tuần Tranh cũng được thờ ở rất nhiều nơi nhưng phải kể đến hai nơi nổi tiếng bậc nhất:  

  • Đền Ninh Giang hay Đền Quan Lớn Tuần Tranh lập bên bến sông Tranh (Ninh Giang, Hải Dương). Nơi đây chính quán quê nhà , trấn giữ duyên hải sông Tranh, là nơi ông hiển tích.
  •  Đền Kì Cùng lập bên bến sông Kì Cùng, nơi ông bị lưu đày.

Đền Tranh (Ninh Giang)  

Đền Tranh một ngôi đền cổ Việt Nam, lập bên bến sông Tranh ở xã Tranh Xuyên, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. 

Thời Trần, tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc, người dân đã lập ra một ngôi đền thờ vị thủy thần cai quản khúc sông này. Ngôi đền này ban đầu là ngôi miếu nhỏ nằm sát bến sông, vì vậy thường bị tác động của thủy triều và dòng nước xoáy. 

Năm 1935, bờ sông thường bị xói lở, người dân lập một đền thờ mới tại làng Tranh Xuyên (Ninh Giang). Ngôi đền mới này vẫn được dân  giữ tên gọi là Đền Tranh.

Những năm 40 (thế kỷ XX) đền Tranh được tôn tạo với quy mô khá lớn, kiến trúc theo kiểu Trùng thiềm điệp ốc với những cung và gian thờ khác nhau. 

Nhưng năm 60 (thế kỷ XX), đền được chuyển về phía bắc của thị trấn Ninh Giang cách đền cũ khoảng 300m, nay thuộc địa phận thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang. Đền Tranh qua ba lần chuyển dời cùng nhiều lần trùng tu tôn tạo, đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và tích hợp được nét đẹp của văn hóa Việt. Căn cứ vào hệ thống bia ký tại đền cho biết, vào năm Tự Đức thứ 5 (1852) đền đã có nhiều người công đức để tu tạo.

Khi thực dân Pháp chiếm Hải Dương và Ninh Giang, xây đồn bốt gần khu vực đền nên nhân dân chuyển đền về phía Bắc đền cũ (hiện nay là doanh trại Lữ đoàn 513 Quân khu 3). 

Năm 1941 ->1945, đền Tranh được tôn tạo rộng lớn, kiến trúc theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc", 5 nếp nhà nổi liền nhau.

Năm 1946, thực hiện chủ trương "tiêu thổ kháng chiến" các hạng mục bị tháo dở, để lại cung cấm làm nơi thờ tự.

Năm 1954, đền Tranh được phục dựng lại để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Năm 1966, do nhu cầu mở rộng doanh trại của quân đội, nên nhân dân địa phương cùng Lữ đoàn 513 chuyển 3 gian hậu cung về dựng tại địa điểm mới, cách đền cũ 300 m về phía Bắc (vị trí hiện nay).

Năm 1996, được phép của UBND tỉnh Hải Hưng, đền được xây dựng 7 gian tiền tế.

Năm 1999,  ngày 3 tháng 6  khởi công xây dựng nhà trung từ.

Năm 2004 hoàn thành việc xây dựng nghi môn và tòa hậu cung.

 Năm 2006 xây dựng đông vu và nhà hóa sớ.

Công trình hiện nay khá hoành tráng với kinh phí xây dựng do nhân dân công đức. Đền Tranh là nơi lưu giữ lại thần tích Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh.

Đền hiện nay có 11 ban thờ

  • Ban thờ Phật
  • Ban thờ Thánh Mẫu
  • Ban thờ Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế
  • Ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông
  • Ban thờ Tứ Phủ Chầu Bà 
  • Ban thờ Sơn Trang
  • Ban thờ Động Chúa Sơn Lâm
  • Ban thờ Thành hoàng
  • Ban thờ Mẫu Liễu Hạnh
  • Ban thờ Đức Thánh Trần

Đền Tranh một năm có 2 mùa lễ hội: 

  • 14/2 - Đản sinh Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh , kéo dài 10-20/2
  • 25/5 - ngày hóa của Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh, kéo dài 20-26/5

Lễ hội đền Tranh có quy mô rộng lớn, thu hút khách nhiều tỉnh phía Bắc, một trong những hội lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường, đặc biệt với khách tín ngưỡng, bởi thế khách thập phương đến đây rất đông. 

Đền Kỳ Cùng 

Năm 1993, ngôi đền đã được xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Nơi đây chính là nơi Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh bị lưu đày.

Đền Kỳ Cùng nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng và ở ngay đầu cầu Kỳ Lừa, thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Không rõ năm xây dựng, chỉ biết đền Kỳ Cùng có từ rất lâu và ban đầu chỉ là một ngôi đền nhỏ làm bằng đất lợp ngói thờ Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh (Giảo Long Hầu). Theo tín ngưỡng của người dân địa phương, thì ngài là một vị Thủy Thần.

Sách Đại Nam nhất thống chi chép về đền Kỳ Cùng như sau: 

"Ở bên tả sông Kỳ Cùng thuộc xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, có con giao long thành thần đào hang ở đây, đền rất thiêng, nhiều lần được phong tặng. Khi sứ bộ qua đây, trước sửa lễ cáo yết, sau mới sang đò.

Vì thời gian và chiến tranh, đền Kỳ Cùng xưa đã không còn. Ngôi đền ngày nay được xây dựng theo kiểu chữ đỉnh (T), mặt tiền quay về hướng Nam. Hiện nay, đền  thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Trần triều Đại vương và Công Đồng Tứ Phủ.  

Đền Kỳ Cùng có 2 mùa lễ hội:

  • 14/2 - Đản sinh Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh , kéo dài 10-20/2
  • 25/5 - ngày tiệc chính là ngày hóa của Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh, kéo dài 20-26/5

Lễ hội là hoạt động để tưởng nhớ đến ơn đức của Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh có nhiều công lao dẹp dặc nhưng bị oan khuất đã nhảy xuống bến đá sông Kỳ Cùng tự vẫn, được nhân dân tôn làm Thủy Thần Ngự tại đền Kỳ Cùng và sau này ông được vị quan nhà Lê là Thân Công Tài minh oan. 

Để cảm tạ công lao lớn của Thân Công Tài nên hàng năm vào mùa lễ hội Kỳ Cùng, quan Tuần Tranh được rước kiệu đến đền Tả Phủ là nơi thờ tự Thân Công Tài, cạnh phố chợ Kỳ Lừa làm lễ tạ ơn.

Theo đó ngày khai hội 22 tháng Giêng là ngày rước kiệu quan Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ, lễ tế tạ, rước kiệu về và kết thúc hội sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

KẾT LUẬN

Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh con Vua Cha Bát Hải Động Đình, giáng sinh vào thời Vua Hùng XVIII, bảo dân hộ quốc. Ngài bị mắc hàm oan, bị đầy ra chốn Kỳ Cùng tự vẫn và sau này được minh oan. Nhân dân ta tôn Ngài là vị Thánh, biết ơn Ngài chống giặc ngoại xâm, cứu khổ độ mê, phù trợ cho quốc thái dân an.

Phú Khánh
 

Blog này chia sẻ kiến thức về thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ là di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận năm 2016. Tín ngưỡng thờ Mẫu đi liền với dân tộc Việt Nam, truyền thống bao đời nay, đề cao chữ “Hiếu” và chữ “Kính”, đặc biệt thêm phần lễ nghĩa. Hiếu với Ông Bà Cha Mẹ, Kính là kính Thánh trọng Thầy.